Thời sự - Bình luận

Cần những cú hích đủ mạnh để phục hồi kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chính phủ và các địa phương đang tập trung triển khai nhiều biện pháp phục hồi nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Mặc dù Việt Nam vẫn được đánh giá là nền kinh tế có khả năng phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn các nước khác, nhưng đây vẫn là “mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử”. Vì vậy, nếu quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra, kinh tế Việt Nam mới có thể đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng. Trong đó, những cú hích đủ mạnh từ phía Nhà nước là hết sức cần thiết.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến thành quả phát triển của nước ta. Điều đáng ghi nhận là Chính phủ đã sớm nhận diện những tác động của đại dịch Covid-19 và đã có các giải pháp khắc phục khá tổng thể, toàn diện. Một trong những giải pháp đó là tung ra các gói hỗ trợ tài chính 62.000 tỷ đồng giúp người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, vượt qua những thử thách trước mắt.

Một gói kích thích tăng trưởng quan trọng khác mà Chính phủ không phải tốn nhiều tiền nhưng hiệu quả cao là việc đầu tư vào chuyển đổi số, hỗ trợ thông tin về các thị trường xuất-nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp. (ảnh nguồn internet)
Sơ chế hạt điều. (Ảnh nguồn internet)


Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, việc thực thi gói hỗ trợ này trên thực tế không đạt kết quả như mong muốn, thậm chí là “kém hiệu quả”. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng: Chính phủ cần ưu tiên cho các giải pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn, cụ thể và thực chất hơn để phục hồi tăng trưởng, thay vì tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ như trước. Hay nói chính xác hơn là cần tập trung giải ngân các dự án đầu tư công để hỗ trợ việc làm cho doanh nghiệp, qua đó tạo ra các khu vực kinh tế năng động, làm cơ sở thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao từ khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thế giới gọi đó là “chi tiêu ngân sách nịnh chu kỳ”. Lúc nền kinh tế tăng trưởng tốt, thu ngân sách tốt thì dù ngân sách chi ra ít, nền kinh tế vẫn cứ theo đà tăng trưởng bình thường, doanh nghiệp vẫn phát triển tốt. Nguồn lực từ ngân sách tiết kiệm ấy, dành khi nền kinh tế đình trệ, doanh nghiệp gặp khó khăn thì mang ra để cứu doanh nghiệp.

Đã gọi là kích thích thì thuốc phải tốt hơn, liều dùng cũng mạnh hơn, thầy thuốc cũng phải nhiệt tâm hơn. Chính sách tài chính cần để kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế cũng vậy. Cần được điều hành theo cơ chế khác với bình thường, thậm chí là phải chấp nhận thâm hụt ngân sách lớn hơn, nợ công cũng phải nhiều hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là hàng loạt dự án đầu tư công quy mô lớn cho cơ sở hạ tầng được Chính phủ xác định là điểm sáng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã thành lập 7 đoàn kiểm tra việc giải ngân vốn đầu tư công trên khắp cả nước. Hy vọng, tình hình sẽ được cải thiện để nguồn vốn đầu tư công thực sự phát huy tác dụng là cú hích cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng cũng cần một gói kích thích kinh tế đặc biệt. Đó là “những khoản đầu tư không hối tiếc”-những khoản đầu tư lớn, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, lâu dài. Như đầu tư khắc phục những tác động của biến đổi khí hậu, các chương trình mục tiêu quốc gia “điện-đường-trường-trạm” ở vùng sâu, vùng xa, miền núi để thúc đẩy cơ sở hạ tầng gắn với an sinh xã hội, giúp người dân có thêm thu nhập, kích thích tiêu dùng, qua đó, thúc đẩy sản xuất trong nước và như vậy sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một gói kích thích tăng trưởng quan trọng khác mà Chính phủ không phải tốn nhiều tiền nhưng hiệu quả cao là việc đầu tư vào chuyển đổi số, hỗ trợ thông tin về các thị trường xuất-nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là thế mạnh của doanh nghiệp trong nước tại các thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao như CPTPP và EVFTA. Việc vận hành chính phủ điện tử một cách sâu rộng trong các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, giảm bớt chi phí cho họ cũng là một trong những kiểu kích thích kinh tế hữu hiệu. Nếu làm tốt điều này thì không chỉ là phục hồi mà đại dịch Covid-19 còn có thể tạo ra những cơ hội phát triển cho nền kinh tế.

ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm