Kinh tế

Giá cả thị trường

Cần nới quy định khách hàng lớn mới được mua bán điện trực tiếp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quy định khách hàng dùng điện 500.000 kWh/tháng mới được mua bán trực tiếp trong dự thảo của Bộ Công thương gây nhiều ý kiến trái chiều.

Nên mở rộng đối tượng

Cụ thể, Dự thảo về cơ chế mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA) quy định tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV, tiêu thụ bình quân hằng tháng từ 500.000 kWh mới được tham gia. Về quy định này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trong văn bản mới đây cũng yêu cầu cần làm rõ sự phù hợp khi quy định về đối tượng khách hàng có sản lượng tiêu thụ trung bình hằng tháng từ 500.000 kWh. Đồng thời xem xét có giới hạn về công suất giữa nhà sản xuất và dịch vụ thương mại để bảo đảm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên tham gia cơ chế DPPA, bảo đảm an toàn lưới điện; có chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tiêu dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để nhận được tín chỉ xanh…

Trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã gợi mở theo hướng không quy định về giới hạn quy mô công suất, không phụ thuộc vào quy hoạch, được quản lý theo các quy định pháp luật về thuế, môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn xây dựng… Đại diện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cũng khẳng định "hoàn toàn có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua" trong trường hợp các bên tham gia chi trả chi phí vận hành, truyền tải, an toàn… để EVN đảm bảo an toàn lưới điện.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp có thể được ban hành sớm trong tháng 5 này.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp có thể được ban hành sớm trong tháng 5 này.

Góp ý cho dự thảo nghị định, Sở Công thương tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Công thương làm rõ hơn với các khách hàng sử dụng điện thấp hơn mức quy định sử dụng điện lớn sẽ được mua điện trực tiếp như thế nào, nhất là một số nơi tập trung nhiều các cơ sở sản xuất, DN nhỏ, các cơ sở nằm ngoài khu, cụm công nghiệp… Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) thì đề nghị với mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể nên mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu tham gia, thay vì giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn. Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) góp ý cơ chế DPPA cần tạo độ mở và linh hoạt cho các bên tham gia, tránh đưa vào các yêu cầu kỹ thuật quá chi tiết gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực tế. "Bên mua nên được trao quyền tự thương thảo đối với hầu hết các điều khoản trong hợp đồng mua bán. Xác định chi phí lưới điện được hạch toán rõ ràng trong một khoảng thời gian xác định", USABC đề nghị.

Về vấn đề này, Bộ Công thương cho rằng: Các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo có công suất từ 10 MW trở lên đã được xây dựng theo quy hoạch (Quy hoạch điện 8 hoặc quy hoạch điện lực tỉnh) mới là đối tượng tham gia cơ chế DPPA này. Sản lượng trung bình hằng tháng đã có trong định nghĩa khách hàng sử dụng điện lớn tại khoản 17 điều 3 Thông tư số 39/2015 có sản lượng từ 1 triệu kWh/tháng trở lên. Tuy vậy, để mở rộng số lượng đối tượng khách hàng tham gia cơ chế, dự thảo nghị định đã cho giảm mức sản lượng tiêu thụ xuống mức tối thiểu 500.000 kWh/tháng.

Nên mở rộng đối tượng được mua điện trực tiếp

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, đồng tình với gợi ý cần có "độ mở" trong cơ chế DPPA. Cơ chế khuyến khích không nên giới hạn dùng bình quân 500.000 kWh/tháng mới được mua trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo. Trước nhu cầu cấp bách phải sử dụng năng lượng tái tạo để sớm có tín chỉ xanh của DN trong xu thế hiện nay, nên mở rộng đối tượng, đặc biệt qua đường dây riêng, không tạo áp lực cho lưới điện quốc gia.

"Quan trọng là công suất phát có đáp ứng được không, dự án năng lượng tái tạo đó có đáp ứng được nhu cầu của khách hàng không. Nếu có, nên mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia. Còn khách hàng dùng điện lớn, có thể đã có đầu tư điện mặt trời rồi, không có nhu cầu mua trực tiếp. Trong khi những đơn vị dùng điện khác, sản lượng tiêu thụ thấp hơn con số 500.000 kWh/tháng, nhưng nhu cầu được mua điện tái tạo trực tiếp là có thực.

Thứ nữa, giả sử quy mô nhà máy điện tái tạo từ 10 MW trở lên, nhưng không có "ông" nào dùng trên 500.000 kWh/tháng muốn mua trực tiếp, nếu bán trực tiếp cho dăm ba khách hàng có nhu cầu, mỗi khách hàng chỉ dùng 100.000 - 200.000 kWh/tháng thì vẫn tốt hơn là tìm được khách hàng dùng lớn để bán. Vậy nên cần cân nhắc việc đưa ra con số cụ thể tiêu thụ điện trong cơ chế. Các nghiên cứu cho thấy giá mua điện trực tiếp có thể cao hơn mua qua EVN vì nhà đầu tư phải đầu tư đường dây riêng, chi phí cao… Nếu người mua thấy không có lợi, chắc chắn họ không tham gia", ông Trần Viết Ngãi chia sẻ.

Đồng quan điểm, chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), nhận xét ý kiến của Phó thủ tướng liên quan đến cơ chế DPPA là rất xác đáng. Cụ thể, có 2 chi tiết liên quan đối tượng áp dụng cần chú ý. Đó là nên mở rộng đối tượng được mua bán điện trực tiếp bằng hình thức hạ mức tiêu thụ điện hằng tháng của khách hàng hoặc không nên đưa con số cụ thể về sản lượng tiêu thụ điện để áp dụng cho cơ chế này.

Thực tế, đưa ra quy định dùng 500.000 kWh/tháng mới được tham gia cơ chế DPPA là không cần thiết. Nếu coi đây là cơ chế thí điểm thì cũng lãng phí vì tuy chưa được ban hành nhưng sẽ giới hạn đối tượng tham gia. Một cơ chế tốn nhiều công sức, tiền bạc để soạn thảo, xây dựng, lấy ý kiến nhiều cơ quan, họp hành từ cấp Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đến các tổ chức DN trong và ngoài nước, các chuyên gia, đơn vị dùng điện lớn… và mất mấy năm mới xong, nay xây dựng chỉ để áp dụng thí điểm thôi, khả năng áp dụng rộng rãi lại không cao thì rất lãng phí.

"Để khuyến khích DN dùng điện tái tạo nhiều hơn, tiến đến mục tiêu giảm phát thải ròng, để phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… cần có cơ chế mua bán điện được xây dựng dài hơi hơn. Bởi chung quy để có một thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, vẫn phải mở rộng cho đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp, không phân biệt khách hàng lớn hay nhỏ", TS Ngô Đức Lâm nêu quan điểm.

Trước đó, Báo cáo đánh giá tác động của cơ chế DPPA của Bộ Công thương cho biết theo khảo sát, 24 dự án năng lượng tái tạo (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng và 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia. Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (khách hàng sử dụng điện là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên), phiếu khảo sát đã gửi tới 41 khách hàng, trong đó có 20 khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu 996 MW (ước tính).

Có thể bạn quan tâm