Cẩn trọng khi cải tiến chữ quốc ngữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đã đề cập nhiều đến công trình nghiên cứu cải tiến tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền-nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông.

Trong đó, đa số ý kiến đều không đồng tình với đề xuất của tác giả. Một số giáo viên phổ thông tỏ ra băn khoăn về vấn đề cải tiến tiếng Việt mà mọi người đang bàn thảo và cho rằng, nếu công trình này của PGS.TS Bùi Hiền được thông qua, đưa vào áp dụng thì ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ là đơn vị đầu tiên được chọn làm thí điểm. Theo đó, “cuộc cách mạng” về chữ viết này sẽ gây ra sự xáo trộn lớn trong xã hội. Để thể hiện quan điểm của ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 30-11-2017 đã ra Thông cáo báo chí khẳng định: “Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay”.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chúng ta đã biết, công trình nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền đã được báo cáo trong một hội thảo của ngành ngôn ngữ học và theo tác giả thì đây mới chỉ là một phần của công trình chưa hoàn chỉnh về cải tiến tiếng Việt. Ý tưởng này mới chỉ là đề xuất cá nhân, chưa có sự thẩm định về học thuật của giới chuyên môn ngành ngôn ngữ và chưa có bất cứ cơ quan thẩm quyền nào phê duyệt. Do vậy, mọi sự bàn luận quanh công trình nghiên cứu này cũng chỉ là những ý kiến tham khảo để làm sáng rõ vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên ngành và thăm dò dư luận xã hội. Chúng ta đừng quá băn khoăn về việc có áp dụng vào thực tiễn hay không, vì mọi công trình khoa học dù đạt chuẩn đến đâu cũng phải qua quá trình sàng lọc trong thực tế, huống chi đây mới là ý tưởng còn đang dở dang.

Không phải đến bây giờ mới có đề xuất về cải tiến chữ quốc ngữ, mà ngay từ đầu thế kỷ XX, Ủy ban Cải cách chữ quốc ngữ ở Hà Nội, do Jean Nicholas Chéon đứng đầu đã đề nghị chỉnh sửa những bất hợp lý trong cách viết của tiếng Việt để người học khỏi lẫn lộn giữa nói và viết, trên cơ sở một chữ là một giá trị ký âm. Đến năm 1907, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã có tham vọng muốn hoàn thiện chữ quốc ngữ khi nó chưa định hình là quốc tự. Bấy giờ, ông đã phát hiện cách phát âm và ký tự ở 3 miền (Bắc-Trung-Nam) không có sự đồng nhất nên đề ra những quy tắc để phân biệt giữa ch-tr, x-s, d-gi và r, vì sự lẫn lộn này dẫn đến hiểu sai ngữ nghĩa gây khó khăn cho việc giao tiếp.

Những năm 50 thế kỷ trước, ở Sài Gòn, ông Nguyễn Ngu Í cũng đề xuất thay đổi một số phụ âm, như: F thay ph; J thay gi; I thay y… Tóm lại, từ khi chữ quốc ngữ ra đời đến nay đã có nhiều đề xuất chỉnh sửa một số bất hợp lý trong ký âm và thêm bớt trong bảng chữ cái tiếng Việt. Tuy nhiên, nhìn chung mọi tham vọng nhằm cải tiến chữ viết tiếng Việt đều thất bại, vì chữ quốc ngữ đã trải qua hàng trăm năm ổn định và phát triển. Tiếng Việt ngày nay ẩn chứa chiều sâu của tâm hồn Việt, được mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước bảo vệ và mài giũa để ngày càng trong sáng hơn. Dù có những bất hợp lý trong cách viết và phát âm nhưng nó đã được chuẩn hóa và hầu hết mọi người đã học và sử dụng một cách thành thạo. Thế nên tất cả những ý tưởng nhằm thay đổi, dù hợp lý đến đâu, cũng khó vượt qua được thói quen của con người.

Nếu luận giải rằng, tiếng Việt hiện nay khó học và cản trở tiến trình hội nhập quốc tế thì đó là sự nhầm lẫn vì nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật… còn khó hơn nhiều nhưng họ vẫn phát triển vượt bậc mà thế giới phải khâm phục. Không riêng gì tiếng Việt mới có đề xuất cải tiến mà các ngôn ngữ khác khá ổn định và phổ biến hơn như: tiếng Anh, tiếng Pháp... vẫn tồn tại những bất hợp lý. Các nhà ngôn ngữ học nhiều lần đề nghị cải cách nhưng tất cả đều bị phản đối. Bởi vậy, cần sự cẩn trọng trong các ý tưởng nhằm thay đổi, cải tiến ngôn ngữ dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhất, bởi đụng đến ngôn ngữ là chạm đến văn hóa của một dân tộc.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm