Bạn đọc

Cần xử lý việc quảng cáo, tiếp thị thuốc lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bán, quảng cáo, tiếp thị thuốc lá rất “nặng tay”, tuy nhiên các hãng thuốc lá và đơn vị bán lẻ vẫn có nhiều cách quảng cáo tinh vi, khéo léo...

  Tủ trưng bày thuốc lá ở các điểm bán lẻ.
Tủ trưng bày thuốc lá ở các điểm bán lẻ.

Vào các quán cà phê, quán nhậu ở Pleiku, thi thoảng bắt gặp vài cô gái chân dài trẻ trung trong trang phục bắt mắt đi tiếp thị thuốc lá. Bằng sự nhiệt tình, cởi mở cộng với các chiêu khuyến mãi, giảm giá từ các nhà cung cấp, một nhân viên tiếp thị có thể bán được hàng chục bao thuốc lá mỗi ngày. Việc này giúp các hãng thuốc lá mở rộng thị phần, tăng thêm doanh thu và tỷ lệ thuận với nó là việc tăng thêm số người bị các bệnh về đường hô hấp, bệnh phổi và nguy hiểm hơn là bị ung thư phổi vì hút thuốc lá và ngửi phải khói thuốc lá.

Bên cạnh đó, một số chủ quán cà phê, nhà hàng, quán nhậu đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho việc quảng cáo thuốc lá khi cho phép treo catalog, gắn biển quảng cáo nhãn hiệu thuốc lá trong khuôn viên quán để thu hút người tiêu dùng. Cùng với đó, các điểm bán lẻ thuốc lá ở khắp nơi lại “lách luật” nhằm quảng cáo thuốc lá dưới nhiều hình thức. Trong đó, vi phạm phổ biến nhất là sử dụng các loại tủ, kệ gắn nhãn hiệu, logo, biểu tượng sản phẩm thuốc lá để trưng bày. Mỗi hãng thuốc lá có kiểu in nhãn hiệu riêng, trình bày đẹp mắt và thu hút. Các loại tủ, kệ này được các nhãn hàng cung cấp miễn phí cho người bán lẻ để trưng bày sản phẩm. Thực chất đây là một trong những chiêu “lách luật” để quảng cáo thuốc lá với chi phí thấp mà hiệu quả lại cao, được rất nhiều nhãn hàng áp dụng. Thậm chí, một số nhãn hàng sẵn sàng chi trả thêm phí cho chủ cửa hàng, cửa hiệu tạp hóa để có chỗ trưng bày thu hút sự chú ý của khách. Điều này nhằm đúng vào tâm lý của người bán hàng, vừa có tủ đẹp trưng bày nhiều tiện ích, vừa có thêm tiền được “boa” đều đặn hàng tháng…

Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp thuốc lá của một nhãn hiệu thuốc lá và Khoản 3 Điều 27 Nghị định này quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi: sử dụng tên, nhãn hiệu, biểu tượng thuốc lá với các sản phẩm dịch vụ khác; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Mặc dù chế tài xử phạt rất rõ ràng, tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì các hành vi nói trên đang bị các nhãn hiệu thuốc lá, các cơ sở bán lẻ và các nhân viên tiếp thị thuốc lá vi phạm nhiều nhất.

Trong khi đó, việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng trên lĩnh vực quảng cáo thuốc lá lại chưa được như kỳ vọng. Theo nhận định của ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch  thì “Việc vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo, giới thiệu sản phẩm thuốc lá đây đó vẫn xảy ra. Tuy nhiên, lâu nay Gia Lai vẫn chưa tiến hành xử phạt được một đơn vị hay cá nhân nào”. Để tiến hành kiểm tra, xử phạt, theo ông Phan Xuân Vũ thì cần có sự vào cuộc liên ngành trong đó chủ trì phải là Sở Y tế-cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phòng-chống tác hại của thuốc lá.

 Trần Đức

Có thể bạn quan tâm