Thời sự - Bình luận

"Cấp cứu" giáo dục tư thục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12.2.2022 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký có một nội dung: Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập (tư thục).

 

Chị Nguyễn Thị Hằng- một giáo viên mầm non tư thục tại Đông Anh (Hà Nội) nhận trông trẻ tại nhà. Ảnh: Anh Thư
Chị Nguyễn Thị Hằng- một giáo viên mầm non tư thục tại Đông Anh (Hà Nội) nhận trông trẻ tại nhà. Ảnh: Anh Thư


Yêu cầu của Thủ tướng là “tập trung thực hiện, hoàn thành dứt điểm” ngay trong quý I.2022.

Tại sao những vấn đề liên quan đến hệ thống giáo dục mầm non, tiểu học tư thục lại được coi là trọng tâm của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội?

Đó là câu chuyện kéo dài gần 2 năm, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và nhiều địa phương thực hiện cách ly.

Theo kết quả rà soát của Bộ GDĐT, khoảng 111.423 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó có 2.310 trường mầm non, tiểu học ngoài công lập và 11.210 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thuộc đối tượng cần hỗ trợ tín dụng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.

Câu chuyện giáo viên mầm non phải đi bán rau, trông trẻ theo giờ, lau dọn nhà thuê hoặc thất nghiệp là hệ luỵ của hàng loạt trường tư thục bị đóng cửa, rao bán trường vì không cầm cự nổi.

Và điều đáng nói, suốt 2 năm trời các cô giáo, nhân viên các trường tư thục hầu như không thuộc nhóm hỗ trợ nào. Các trường tư thục lại không thuộc đối tượng ưu đãi tín dụng.

Cuối năm ngoái, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT)- khi được hỏi về giải pháp để hỗ trợ cơ sở mầm non tư thục, giữ chân giáo viên mầm non bám trụ với nghề, thì nói rằng: "Bộ GDĐT đang phối hợp với các bộ, ban, ngành để đề xuất lên Chính phủ những chính sách hỗ trợ cụ thể. Chính sách cụ thể như thế nào thì phải đợi Chính phủ ban hành".

Bộ thì đợi Chính phủ nhưng các trường và các giáo viên thì không đợi được. Phá sản, bán trường, bỏ nghề và không còn nguồn lực để quay lại đầu tư là chuyện đã diễn ra.

Hệ thống cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập có vai trò đặc biệt quan trọng, đặc biệt ở những nơi có đông công nhân, người lao động sinh sống.

Tại Chỉ thị 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Thủ tướng yêu cầu “đưa học sinh, sinh viên đi học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 phấn đấu trước ngày 14.2”. Nhiều địa phương cũng đã lên kế hoạch đón trẻ mầm non, tiểu học đến trường.

Nhưng nếu hệ thống mầm non, tiểu học ngoài công lập không kịp phục hồi vì thiếu chính sách hỗ trợ thì sẽ có hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu trẻ không thể đến trường, kéo theo việc người lao động cũng không thể yên tâm, dành tâm huyết tham gia phục hồi sản xuất. Đây là mắt xích quan trọng cho quá trình phục hồi kinh tế.

Bây giờ cả Chính phủ lẫn người dân đang chờ Bộ GDĐT sẽ làm gì để “cấp cứu” cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập ngay trong quý I này.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cap-cuu-giao-duc-tu-thuc-1013858.ldo

Theo Hoàng Lâm (LĐO)

Có thể bạn quan tâm