(GLO)- Nhiều lần qua An Khê (Gia Lai), tên của một cây cầu trên quốc lộ 19 (đoạn phía trên đèo) luôn khiến tôi thắc mắc: Sao lại là cầu Ban Ngày? Vậy có cầu Ban Đêm ở đâu đó không? Rồi, có lẽ do thắc mắc nhiều nên thành duyên nợ, cũng đến lúc tôi có việc ở nơi có cây cầu này, vì vậy mà có thời gian để tìm hiểu thêm về nó.
Trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn, tập 1 (bản dịch của Hoàng Văn Lâu, do Nhà xuất bản Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm 2012), trong mục cầu cống của tỉnh Bình Định ghi rõ: Thượng An có 5 cầu. Các cầu: Mương, Dốc Đá, Gia Trà, Suối Tần mỗi cầu dài 3 thước, 5 tấc; cầu Bà Ngày dài 11 thước, 5 tấc.
Cầu Ban Ngày (thị xã An Khê, Gia Lai). Ảnh: T.H |
Như vậy là từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trên vùng đất nay thuộc An Khê đã có một cây cầu mang tên Bà Ngày được Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi nhận. Về mặt phát âm, cái tên này gần giống với Ban Ngày. Tuy nhiên, cái tên trong danh mục thống kê này vẫn chưa thật sự thuyết phục, vì không có phần giải thích đính kèm.
Cho đến cuối tháng 11-2021, khi trò chuyện với các bô lão ở thôn Thượng An (xã Song An) như ông Võ Cơ, Thân Văn Trầm... tôi lại đem thắc mắc về cái tên cầu Ban Ngày ra hỏi thì nhận được câu trả lời như “đinh đóng cột”: Nghe ông bà nói, cầu này xưa gọi là cầu Bà Ngày, vì có một bà tên là Ngày bị cọp ăn thịt, chỉ để lại cái đầu trên chính cầu này. Trước giải phóng, chính quyền Sài Gòn gọi tên các cầu trên quốc lộ 19 theo số đếm, lớn dần từ hướng Bình Định lên Gia Lai. Theo đó, cây cầu này là cầu 17. Năm 2019, khi cây cầu được xây mới xong thì thấy “mọc lên” biển đề: “cầu Ban Ngày”.
Nghe đến đây, tôi như vỡ òa vì thích thú, bởi địa danh được đưa ra trùng khớp với ghi chép của Quốc sử quán Triều Nguyễn và việc vì sao mà cây cầu này mang cái tên ấy cũng được giải thích một cách thuyết phục. Trong lịch sử vùng đất An Khê, cọp luôn là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của những lưu dân từ đồng bằng lên vùng “nước độc, rừng thiêng”. Trước kia, khi khảo sát ở Cửu An, người già ở đây cũng cho chúng tôi biết: Cửa ra vào nhà ở của người Việt ở Cửu An trước kia thường phải làm “ngạch địa” chắn ngang. Địa ngạch thường cao khoảng 0,6 m so với mặt đất, hai bên đục lỗ, gài chốt, vừa để giữ cửa cho chắc, vừa để phòng thú dữ, vì ở đây có rất nhiều cọp.
Cũng theo Đại Nam nhất thống chí, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tuyến quốc lộ 19 ngày nay được triều Nguyễn gọi là đường quan báo phía Tây tỉnh Bình Định. Tức là đường ngang trong tỉnh Bình Định để thông báo đến các đồn ải và nha huyện. Con đường này chạy từ phủ lỵ An Nhơn “qua hai trạm Bình Nghi, Bình Giang, qua huyện Bình Khê, đến đồn An Khê giáp đất man (chỉ vùng cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số) 85 dặm”. Đầu thế kỷ XX (năm 1914), nhận xét về con đường này, Ch. Trinquet-Thanh tra Đông Dương viết trong “Cao nguyên An Khê”: Đây là con đường dễ đi và ít gian nan, dù rằng đường đèo, men theo sườn núi khá xấu và càng khó khăn hơn khi đến gần đỉnh đèo. Nhưng dù có khó khăn thì lừa, ngựa vẫn có thể vận chuyển hàng hóa đi lại. Voi cũng có thể vận chuyển mà không cần phải dỡ hàng.
Ngoài cầu Ban Ngày thuộc địa bàn xã Song An, hiện nay, trên quốc lộ 19, chỉ một đoạn ngắn từ đầu đèo An Khê đến trung tâm huyện Đak Pơ mà đã có khá nhiều tên của những cây cầu bị biến âm theo thời gian, dẫn đến sai nghĩa hoặc trở nên vô nghĩa như cầu Thầu Dầu thuộc địa bàn xã Cư An (huyện Đak Pơ). Đây vốn là cây cầu bắc qua con suối (đak) Joppau. Năm 1898, khi xin lập đồn điền ở khu vực này, Công ty Delignon & Paris đã gọi tên đồn điền của họ là Dak Joppau, người Việt gọi là Chầu Bầu. Còn hiện nay, cây cầu bắc qua suối ấy được gắn biển Thầu Dầu. Cây cầu bắc qua con suối vốn có tên là Tơtung nay thành cầu Cà Tung...
Rất mong khi gắn biển tên cầu, cống, cột cây số, biển chỉ đường... cơ quan chức năng để ý hơn đến điều này. Vì địa danh qua các biển chỉ dẫn chính là “hướng dẫn viên du lịch” đầu tiên tiếp đón du khách ở một vùng đất mới.
NGUYỄN THỊ KIM VÂN