Hơi thở Gen Z

Câu chuyện về chàng trai được đặt tên là Quốc Khánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sinh ra vào đúng ngày lễ lớn của đất nước, chàng trai trẻ được ba mẹ đặt cho cái tên khá đặc biệt, Quốc Khánh. Đó là câu chuyện thú vị của Nguyễn Quốc Khánh, quê ở tỉnh Cà Mau, hiện đang là sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Cái tên ý nghĩa và đầy tự hào

Gặp Quốc Khánh vào một buổi chiều cuối tháng 8, khi mà người dân trên khắp mọi miền đất nước đang đón chờ ngày lễ lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh 2.9. Khi được hỏi về tên gọi ý nghĩa và đặc biệt của mình, Quốc Khánh tự hào kể: "Ba mẹ kể lại là khi mang thai mình mọi người không biết phải đặt tên gì nên cứ nghĩ khi nào mình chào đời rồi sẽ tìm sau. Và thật đặc biệt khi ngày mẹ vào viện và sinh mình lại rơi đúng vào 2.9. Lúc đó ba mẹ không suy nghĩ gì thêm mà đặt tên là Quốc Khánh luôn".

Quốc Khánh luôn cảm thấy tự hào về tên của mình. Ảnh Thảo Phương

Quốc Khánh luôn cảm thấy tự hào về tên của mình. Ảnh Thảo Phương

Bà Nguyễn Kiều Nương (49 tuổi), ngụ tại H.Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), mẹ của Quốc Khánh, cũng chia sẻ: "Thời điểm mang thai đến lúc đi sinh, gia đình tôi vẫn chưa biết đặt tên con là gì, chỉ quan tâm đến vấn đề sức khỏe của con. Tuy nhiên, ngày Khánh chào đời trùng với ngày lễ Quốc khánh nên lấy ngay tên này để đặt cho con".

Chính vì lẽ đó mà Quốc Khánh luôn tự hào về tên gọi cũng như ngày mà mình được sinh ra đời. "Vào sinh nhật của mình, nhiều bạn bè thay vì chúc sinh nhật vui vẻ thì lại nhắn là chúc mừng ngày Quốc khánh, cũng vui lắm", Khánh cười nói.

Chàng trai gen Z tâm sự rằng được ba mẹ đặt tên Quốc Khánh là một niềm tự hào, nhưng qua đó cũng tự ý thức về việc phải sống và nỗ lực để hoàn thiện, phát triển bản thân. "Mỗi năm cứ đến ngày Quốc khánh là trong lòng mình lại trào dâng một niềm tự hào. Bởi ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng chính là ngày mình chào đời. Đồng thời, vào những ngày này khi hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay khắp nơi đã khơi dậy trong mình niềm tự hào to lớn về các sự kiện lịch sử anh hùng với những trang sử vẻ vang của dân tộc. Chính vì vậy mà những người trẻ như chúng mình bây giờ sẽ luôn trân trọng quá khứ và tự hào về nền độc lập của đất nước", Quốc Khánh bày tỏ.

Khánh cho biết tên gọi Quốc Khánh không chỉ là niềm tự hào cho chính mình, mà còn cho gia đình. "Mình luôn tích cực tham gia hoạt động công ích và tình nguyện để có thể đóng góp một phần công sức, giúp ích cho cộng đồng. Cùng với đó là ý thức về trách nhiệm gìn giữ các giá trị văn hóa và xây dựng tư tưởng nước nhà một cách bền vững, lớn mạnh", Quốc Khánh chia sẻ.

Thuộc thế hệ trẻ được sinh ra trong thời bình nên Quốc Khánh luôn ý thức phải cố gắng trau dồi tri thức và rèn luyện đạo đức để có thể có thể trở thành công dân tốt, sẵn sàng cống hiến. Đúng với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên".

Chàng trai sôi nổi trong mọi hoạt động

Quốc Khánh được biết đến là một trong những gương mặt sinh viên tiêu biểu, sôi nổi trong nhiều hoạt động của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Thế nhưng, ít ai biết rằng trước đó chàng trai này từng rất nhút nhát, rụt rè và gặp khó khăn trước ngưỡng cửa đại học.

Quốc khánh nhận giải thưởng Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng năm 2023. Ảnh NVCC

Quốc khánh nhận giải thưởng Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng năm 2023. Ảnh NVCC

Nhớ lại câu chuyện nhiều năm trước, Quốc Khánh kể: "Mình sinh ra ở một vùng nông thôn tại tỉnh Cà Mau, điều kiện học tập không quá nhiều. Nhà mình có 2 chị em và chị 2 cũng chỉ học hết lớp 9 là đi làm kiếm thêm thu nhập, phụ lo kinh tế cho gia đình. Cho nên cả nhà nghĩ chỉ cần lo cho mình học hết bậc THPT là đi làm thay vì học tiếp đại học. Thế nhưng, mình lại nghĩ rằng chỉ có việc học tiếp mới giúp bản thân có nhiều cơ hội để phát triển".

Vì vậy, Quốc Khánh đã từng bước thuyết phục gia đình cho mình được học đại học. Nhận thấy sự quyết tâm và cố gắng của con trai nên ba mẹ Quốc Khánh đồng ý. Nam sinh kể thời gian đầu lên thành phố rất nhiều bỡ ngỡ, chỉ đi học rồi về nhà, không dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Thế nhưng, sau đó Quốc Khánh nhận ra nếu cứ như vậy thì 4 năm đại học sẽ trôi qua rất nhàm chán và lãng phí.

"Từ học kỳ 2 của năm nhất mình bắt đầu tìm đến các câu lạc bộ để tham gia và góp mặt trong nhiều hoạt động Đoàn, Hội của trường. Đến năm 2022 mình đã đứng ra thành lập câu lạc bộ Sức sống trẻ Hutech, đến nay đã có hơn 700 bạn sinh viên tham gia. Sau đó, mình đi làm thêm với công việc MC, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Nhờ vậy mà đến bây giờ mình như thoát khỏi chiếc "kén" của bản thân và trưởng thành hơn rất nhiều", Quốc Khánh chia sẻ.

Nói về những lợi ích khi tham gia sôi nổi các hoạt động ngoại khóa, Quốc Khánh chia sẻ: "Mình học được kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, có thêm nhiều mối quan hệ chất lượng từ bạn bè, giảng viên đến các doanh nghiệp. Trước đó mình chưa từng nghĩ sẽ có một ngày bản thân trở nên hoạt bát và năng nổ như bây giờ".

Tuy nhiên, Quốc Khánh luôn ý thức được rằng việc học là quan trọng nhất và luôn biết cách cân bằng việc học với những hoạt động khác. Trước mỗi học kỳ, Quốc Khánh sẽ lên kế hoạch rõ ràng, nhờ vậy mà dù tham gia nhiều hoạt động vẫn có thể học vượt và hoàn thành chương trình trước nửa năm. "Học lực của mình dù chỉ ở mức khá, nhưng những điều bản thân học được từ giảng đường không chỉ là kiến thức chuyên môn mà rất nhiều kỹ năng sống khác", Quốc Khánh chia sẻ.

Với những nỗ lực đó, Khánh đã gặt hái một số thành tựu: nhận giấy khen của Hội Sinh viên Việt Nam Trường ĐH Công nghệ TP.HCM về những đóng góp tích cực trong công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2022 - 2023; đạt giải thưởng Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng năm 2023; Đại biểu tại Hội nghị Thanh niên Việt Nam về khí hậu năm 2024…

Trước quá trình trưởng thành của con, bà Nương không giấu được sự hạnh phúc. "Chứng kiến quá trình ngày càng trưởng thành, khôn lớn của con thì người làm mẹ như tôi không giấu được sự vui mừng và hạnh phúc. Chớp mắt một cái, con đã 22 tuổi, bắt đầu hành trình làm người lớn của mình. Với những thành tựu mà Khánh đạt được cùng sự nỗ lực phấn đấu của con khiến tôi rất tự hào. Và dù thế nào, tôi cũng chỉ muốn con sống hạnh phúc, được làm những việc mà con mong muốn. Với tôi, con làm gì cũng được, miễn đừng làm chuyện xấu. Và là ai cũng được, nhưng miễn là người lương thiện", bà Nương bày tỏ.

Theo Thảo Phương (TNO)

Có thể bạn quan tâm