Du xuân

Cầu may đầu năm đừng bỏ lỡ những ngôi chùa này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã từ lâu, đi lễ chùa xin lộc đầu năm là một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần cũng như tâm linh của người Việt trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Xin giới thiệu một số ngôi chùa ở Hà Nội nên đến vào ngày đầu năm mới để cầu may mắn, bình an...
 
Chùa Liên Phái 
Đây không chỉ là nơi người dân thủ đô lựa chọn tới hành hương mà hàng năm, khách thập phương cũng tới đây vào dịp đầu năm rất đông.
Chùa Liên Phái toạ lạc trong ngõ Liên Phái, phố Bạch Mai, thuộc quận Hai Bà Trưng. Liên Phái là tên của chùa từ năm 1840, trước đó chùa có tên là Liên Hoa rồi Liên Tông.
Chùa Liên Phái.
Chùa Liên Phái.
Chùa do Lân Giác Thượng sĩ thuộc Thiền phái Lâm Tế lập vào năm 1726, đời Vua Lê Dụ Tông. Một đặc điểm nổi bật so với các chùa ở Hà Nội là chùa Liên Phái có niên đại hơn 250 tuổi, hơn nữa, trong chùa còn có một ngôi tháp Cửu Sinh cũng có niên đại hơn 250 tuổi. Đây là ngôi tháp cổ nhất và có lai lịch rõ ràng nhất trong khu vực nội thành Hà Nội.
Năm 1962 Chùa đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Chùa Hà
Chùa Hà được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức Tự nổi tiếng linh thiêng này cùng với Đình Bối Hà kết thành cụm di tích mang tên Đình – Chùa Hà. Chùa Hà nằm tại con phố nhỏ cùng tên “Chùa Hà” dọc đường Cầu Giấy, Hà Nội.
Chùa Hà được kết cấu thành từng khu riêng biệt với những ban thờ Phật và ban thờ Thánh Mẫu. Người dân tới đây thực hành tín ngưỡng tâm linh sẽ cầu nguyện trước các vị Đức Ông, Đức Thánh Hiền, các vị Phật và tam tòa Thánh Mẫu để cầu được bình an, vạn sự hanh thông, duyên tình tròn vẹn.
Đi lễ chùa Hà nên tới vào ban ngày. Những ngày thường, chùa sẽ đóng cửa từ 6h tối. Còn những ngày Tết, rằm hay mùng 1, chùa sẽ mở cửa với thời gian muộn hơn để người dân có thể hành lễ.
 Chùa Hà vốn nổi tiếng là nơi cầu tình duyên.
Chùa Hà vốn nổi tiếng là nơi cầu tình duyên.
Đến Chùa Hà ngoài cầu tài lộc, công danh thì còn có nhiều người đến để cầu duyên. Nếu bạn đi Chùa Hà Cầu Duyên bạn chỉ cần làm sớ lễ tại ban thờ tam tòa Thánh Mẫu. Các vị Thánh Mẫu sẽ chứng giám và ban duyên cho người cầu.
Còn lại nên làm lễ tại những ban thờ các vị khác để cầu cho cuộc sống được đầy đủ, cả về tài lộc, công danh và may mắn, bình an.
Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ nằm ngay trên một bán đảo giữa Hồ Tây Hà Nội, thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Phủ Tây Hồ là nơi thờ Liễu Hạnh Công Chúa – một nhân vật trong truyền thuyết và cũng là một trong bốn vị thánh bất tử của hệ thống điện thần (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh).
Phủ Tây Hồ thu hút rất đông du khách mỗi dịp lễ.
Phủ Tây Hồ thu hút rất đông du khách mỗi dịp lễ.
Vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, Phủ Tây Hồ có hàng ngàn lượt khách đến mỗi ngày. Đặc biệt vào mồng 1, 2, 3 Tết và vào khoảng thời gian 10h – 16h hàng ngày nơi đây sẽ có lượng khách đông nhất.
Nhiều người đi lễ Phủ Tây Hồ đầu năm cầu mong sự may mắn, an bình sẽ đến với người thân, gia đình mình. Bên cạnh cầu may mắn, đi Phủ Tây Hồ cầu tài lộc cũng là mục đích của nhiều du khách khi đến với nơi đây.
BẢO TRANG (T/H, LĐO)

Có thể bạn quan tâm