Du xuân

Singapore một góc nhìn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hành trình đến Singapore dự kiến hơn 4 giờ chiều (giờ địa phương) nhưng khâu làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Changi khá phức tạp, nhất là trong đoàn có vài phụ nữ bị giữ lại ở cửa an ninh không hiểu vì lý do gì nên kế hoạch tham quan buổi chiều hôm ấy bị dở dang…
 Tượng Merlion-biểu tượng của Singapore. Ảnh: internet
Tượng Merlion-biểu tượng của Singapore. Ảnh: internet
Người ta ví quốc đảo Singapore có hình thù như viên kim cương giữa đại dương, có diện tích chỉ bằng 1/3 TP. Hồ Chí Minh, lớn hơn đảo Phú Quốc của Việt Nam một tí. Lịch sử hòn đảo này cũng trải qua nhiều thăng trầm. Từ những làng chài thưa thớt ban đầu của người Mã Lai và người Hoa sinh sống vào những năm đầu Công nguyên, mãi đến thế kỷ XIX, người Anh mới để ý đến địa lợi của vùng đất này và bắt đầu xây dựng nơi đây thành thương cảng sầm uất, nơi giao thương quốc tế quan trọng, kiểm soát hầu hết các hải đảo Á-Âu, sánh ngang với Hồng Kông. Nói đến thương cảng, chúng ta không thể không tiếc nuối về Hội An-Việt Nam, nơi đã thịnh hành từ trước Singapore vài thế kỷ nhưng do điều kiện lịch sử và chiến tranh triền miên nên Faifo mất đi cơ hội trở thành thương cảng lớn, hiện đại của Đông Nam Á.
Chính thức độc lập từ năm 1965, Singapore sau Việt Nam 20 năm. Khi quốc đảo Sư Tử bắt đầu đi vào công cuộc kiến thiết với bao khó khăn, tài nguyên dường như không có gì, ngay cả nước ngọt cũng phải nhập thì Việt Nam lại bước vào cuộc chiến chống Mỹ kéo dài. Không bỏ lỡ cơ hội khai thác từ chiến tranh lân bang, Singapore cung cấp xăng dầu cho quân đội viễn chinh và chư hầu của Mỹ, thu được một khoản lợi kha khá để canh tân đất nước. Chủ nghĩa thực dụng là kim chỉ nam của quốc đảo nhỏ nhoi này; cái gì có lợi cho quốc gia đều có thể tận dụng. Sau thống nhất, Việt Nam đang loay hoay tìm con đường để phát triển thì Singapore đã vươn lên thành con rồng châu Á, sánh ngang cùng Hàn Quốc, Đài Loan…  Lý Quang Diệu khi mới nhiếp chính quốc đảo Sư Tử  đã từng nói “Hy vọng một lúc nào đó Singapore sẽ giống như Sài Gòn” thì chỉ trong một thời gian ngắn, ông cùng đội ngũ lãnh đạo đã biến ý tưởng của mình thành hiện thực, đưa quốc đảo này trở nên một “hòn ngọc Viễn Đông” đúng nghĩa.
Điều gì đã làm nên một con rồng châu Á ở Singapore? Theo đúc kết của các chuyên gia Singapore sau những thành công vượt bậc về kinh tế-xã hội dưới sự chèo lái tài tình của “kiến trúc sư” bậc thầy Lý Quang Diệu thì có 10 nguyên nhân chính. Tuy nhiên, theo tôi chỉ có 3 nguyên nhân cơ bản: sự sáng suốt của đội ngũ lãnh đạo tài năng; biết trọng dụng, thu hút người tài và quốc gia không có tham nhũng.
Từ khi lên nắm quyền, Lý Quang Diệu đã có chủ trương “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục sẽ thắng trong phát triển kinh tế” và ra sức đầu tư phát triển nền giáo dục tiên tiến, thực học, sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh, đồng thời có chính sách thu hút nhân tài trên thế giới với sự đãi ngộ tương xứng. Từ đặc thù của quốc đảo nhỏ bé, các nhà lãnh đạo Singapore đã biết coi “chất xám” là nguồn tài nguyên vô giá và chọn kinh tế tri thức là hướng đi trong hiện tại và tương lai của mình nên họ đã nhanh chóng bước vào con đường thịnh vượng một cách bền vững.
Nội lực bên trong đảo quốc nhỏ bé ấy là cả một sức mạnh tiềm tàng nhờ những quyết sách đúng đắn và khôn ngoan hợp với xu thế phát triển của thời đại, có tầm nhìn xa trông rộng. Ngày nay, người dân Singapore được hưởng những thành quả của sự phát triển hơn nửa thế kỷ qua với các chỉ số về hạnh phúc khá cao, trong khi đó chỉ số khốn khổ chỉ còn 1,4%; tỷ lệ lạm phát tiêu dùng và thất nghiệp tụt xuống mức thấp nhất thế giới.
 Hoàng Linh Việt

Có thể bạn quan tâm