Du xuân

Đầu năm trẩy hội Đống Đa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến hẹn lại lên, dịp đầu xuân, thị xã An Khê sẽ tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa và hội hát Cầu huê. Đây là dịp người dân cũng như du khách hòa mình vào linh khí vùng Tây Sơn Thượng đạo, cùng hướng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, nhớ về cội nguồn, tổ tiên.
Ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê-cho biết: “Năm nay, thị xã tổ chức lễ kỷ niệm 248 năm khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1771-2019), 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2019) và Hội hát Cầu huê của người Việt vùng An Khê với quy mô lớn hơn các năm trước, có mời các huyện: Kông Chro, Kbang và Đak Pơ tham gia. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-2 (nhằm mùng 4 và 5 tháng Giêng). Phần lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống. Phần hội có các màn biểu diễn võ cổ truyền, hát Cầu huê, trình diễn cồng chiêng đường phố, các trò chơi dân gian, triển lãm tài liệu, tranh của họa sĩ Xu Man. Ngoài ra còn có 60 gian hàng của 11 xã, phường, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã và các huyện lân cận”.
 Một tiết mục văn nghệ tại lễ hội cầu huê năm 2018. Ảnh: H.M
Một tiết mục văn nghệ tại lễ hội cầu huê năm 2018. Ảnh: H.M

Ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê: “Lễ hội được tổ chức nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, tưởng nhớ công lao to lớn của nhà Tây Sơn, đặc biệt là tôn vinh sự nghiệp lẫy lừng của Hoàng đế Quang Trung; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; thúc đẩy công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của thị xã gắn với phát triển du lịch địa phương”.

Trong không gian ngày hội, người dân và du khách sẽ được thưởng lãm màn trống trận Tây Sơn cùng hình ảnh tái hiện ngày đầu Tây Sơn tụ nghĩa, khởi binh; những pha biểu diễn độc đáo của võ thuật cổ truyền; hòa mình với âm vang cồng chiêng, tay trong tay cùng các sơn nữ trong vòng xoang Tây Nguyên nhịp nhàng, rộn rã; nghe hát Cầu huê đậm chất Bình Định với nghệ thuật tuồng, bài chòi; màn hoạt náo lân-sư-rồng… Du khách cũng có thể cùng con trẻ quay về một thời tuổi thơ với các trò chơi dân gian xưa: giã gạo, đu quay, đi cà kheo, mang nước về làng, kéo co, leo cột lột quà, nhảy bao bố, nhảy dây, bập bênh, đánh cờ, bắt lươn trong chum, đập niêu đất…
Đến với phiên chợ Kinh-Thượng, du khách sẽ được hòa mình vào không gian chợ xưa, thưởng thức những món ăn dân dã như: bánh ít, bánh tro, bánh cuốn, bánh bèo, bánh xèo, khoai lang nướng, củ mì luộc, cơm lam thịt nướng cùng rượu cần hoặc rượu đế cổ truyền được ngâm ủ bằng nguyên liệu đặc sản vùng cao. Tại đây, khách tham quan có thể tìm mua các loại thực phẩm tươi ngon như: cá đồng, gà, vịt chạy đồng, các loại rau củ quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc mua cho người thân, bạn bè những món quà lưu niệm là váy, áo thổ cẩm, đồ đan lát của đồng bào dân tộc thiểu số, đồ gỗ mỹ nghệ… Những người mê thư pháp cũng có dịp xin ông đồ những bức thư pháp ý nghĩa đầu xuân.
Ngoài tham gia lễ hội cầu Huê, du khách còn có thể đến tham quan khu trưng bày hiện vật và kết quả khảo cổ sơ kỳ đá cũ và phong trào nông dân Tây Sơn; tham quan khu di tích khảo cổ Rộc Tưng (xã Xuân An); hòa mình vào không gian trình diễn cồng chiêng đường phố; dự khán 2 đêm đấu võ đài liên tỉnh cùng những màn biểu diễn độc đáo của võ cổ truyền Tây Sơn Thượng đạo gồm các bài: Độc lư thương, Hùng kê quyền, Siêu xung thiên, Tứ linh đao, Huỳnh long độc kiếm, Roi thái sơn…
Hiền Minh

Có thể bạn quan tâm