Du xuân

Du xuân trên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ia Grai là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Anh hùng Rơ Châm Ớt và Anh hùng A Sanh. Và giờ đây, Ia Grai lại được biết đến với những danh thắng kỳ thú được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất biên giới này.

Kỳ thú thác ghềnh

Tỉnh lộ 664 rất đẹp với những cung đường uốn lượn, nhưng đẹp nhất phải kể tới đoạn từ Công ty Cà phê Ia Châm đến Công ty Cà phê Ia Blan với những hàng muồng rợp bóng nở hoa vàng rực. Đi trên mặt đường li ti trải dày một thảm hoa vàng, tưởng như đang dạo bước cùng mùa thu xứ Hàn. Tại điểm dừng chân là thị tứ Ia Krái (xã Ia Krái), du khách sẽ có dịp đến thăm di tích lịch sử Đồi Chư Nghé hay còn gọi là Lệ Ninh, một căn cứ quân sự của Mỹ, chiến trường B13 lửa đạn ác liệt năm xưa. Ngọn đồi di tích chỉ cách trụ sở UBND xã Ia Krai khoảng 200 m, từ chân đồi lên đỉnh đồi (khoảng 50 m) vẫn còn một đường hầm quân sự do quân đội Mỹ xây dựng trong chiến tranh.

 

Thác Mơ (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: Bùi Hương Thảo
Thác Mơ (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: Bùi Hương Thảo

Sau khi chọn nhà hàng ngay tại thị tứ, du khách sẽ có bữa trưa ấm bụng với món cá lăng, đặc sản sông Pô Cô, nấu với măng chua được chế biến từ măng le rừng, kèm theo một vài món đặc sản của núi rừng Tây Nguyên. Mặt trời chếch bóng cũng là lúc du khách tiếp tục cuộc du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, khám phá sự kỳ vĩ của dòng Pô Cô huyền thoại và trổ tài câu cá. Nếu du khách đi từ 3 đến 5 người thì tốt nhất nên chọn một chiếc thuyền độc mộc để làm phương tiện du ngoạn lòng hồ. Được đục từ những thân cây to, thuôn dài, thuyền độc mộc như chiếc đòn xóc đâm xuyên dòng nước. Ngồi trên thuyền, du khách sẽ cảm thấy mạo hiểm nhưng hãy yên tâm về độ an toàn của nó.

Với chiếc thuyền độc mộc, tại bến sông này năm xưa, Anh hùng A Sanh đã vượt qua mưa bom bão đạn, trong đêm tối mịt mù đưa hàng ngàn chiến sĩ vượt sông Pô Cô đánh Mỹ. Có chuyến thuyền chở đến 28 người cùng đạn dược mà vẫn cập bến an toàn. Du khách có thể tham quan lòng hồ với tất cả 6 đảo lớn nhỏ; đảo lớn nhất có diện tích khoảng 30 ha, được phủ xanh với nhiều cây trái. Hồ có nguồn thủy sản đa dạng, phong phú, nhất là đặc sản cá lăng, cá cơm... Nơi đây còn có cả làng chài của ngư dân từ miền Tây Nam bộ lên sinh sống. Tại đây, du khách có thể “cắm sào” thăm thú làng chài, thưởng thức món cá nướng thơm nồng.

Ngược dòng đường thủy khoảng 20 km, du khách sẽ gặp một tuyệt tác thiên nhiên vừa được khám phá, đó là thác Mơ, thuộc địa phận làng Ếch (xã Ia Khai), được báo chí ca ngợi như “nàng công chúa ngủ trong rừng” và đang chờ “hoàng tử” đến đánh thức. Trong những tháng cuối năm 2017, thác Mơ đã thu hút rất nhiều du khách khắp nơi nườm nượp đổ về khám phá vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, như một tuyệt phẩm thủy mặc của Tây Nguyên.

Cũng trên địa phận xã Ia Khai có một dòng suối đẹp vô cùng có tên là suối Ia Blố chảy từ trên đỉnh một ngọn đồi cao, dòng suối uốn lượn, nước chảy êm đềm qua từng phiến đá. Theo người dân nơi đây, suối Ia Blố nước chảy quanh năm, nguồn nước rất sạch. Tương truyền, những cặp trai gái ở làng, trước khi kết hôn, thường thử thách nhau bằng cách trèo lên đỉnh đồi tắm nước suối Ia Blố để luôn mạnh khỏe và được sống bên nhau trọn đời. Do vậy, người dân bản địa còn gọi Ia Blố là “suối thần tình yêu”.

Có thể nói, các thác nước là tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện biên giới Ia Grai. Ngoài thác Mơ, Ia Grai còn có thác Chín Tầng ở xã Ia Bă mê hoặc lòng người. Thác phân thành 9 tầng riêng biệt đổ trên vách đá, mỗi tầng cao từ 5 m đến 10 m, riêng 2 tầng cuối cùng cao 15 m. Đó là những tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Chưa kể thác Lệ Kim ở xã Ia Tô, vốn đã được du khách biết tiếng từ lâu.

Tiếng chiêng ngân vọng đại ngàn

 

Tiếng chiêng ngân vọng giữa đại ngàn (hình minh họa). Ảnh: Nguyễn Duy Tưởng
Tiếng chiêng ngân vọng giữa đại ngàn (hình minh họa). Ảnh: Nguyễn Duy Tưởng

Sau một ngày khám phá thiên nhiên kỳ thú, khi màn đêm buông xuống là lúc du khách được hòa vào dòng chảy văn hóa Jrai bản địa. Cộng đồng người Jrai nơi đây có khoảng 44.390 người, chiếm khoảng trên 46% dân số toàn huyện. Coi cồng chiêng là máu thịt, họ còn lưu giữ số lượng cồng chiêng lớn nhất tỉnh với 1.116 bộ cồng chiêng, trong đó có trên 500 bộ chiêng quý. Dù có những lúc khó khăn trong cuộc sống nhưng nhất định bà con không bán chiêng, kể cả những lúc giặc Mỹ dồn dân, lập ấp, họ vẫn cõng chiêng lánh vào rừng. Cùng với cồng chiêng, người Jrai nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đậm đặc. Hiện toàn huyện có 64 nhà rông truyền thống, nơi đồng bào thường tổ chức các lễ hội vào mùa xuân. Đến đây vào xuân này, du khách sẽ được đắm mình vào không gian huyền ảo mà sôi nổi của mùa lễ hội với tiếng cồng chiêng vang vọng, với những vòng xoang nhịp nhàng, uyển chuyển của những cô gái Jrai rạo rực xuân thì.

Sau một ngày du ngoạn trên vùng đất biên cương Ia Grai với nhiều cung bậc của cảm xúc, tin rằng du khách sẽ mãi nhớ và sẽ còn trở lại.

Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: “Trực tiếp khảo sát các điểm du lịch ở huyện Ia Grai, chúng tôi thấy vùng đất này hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để phát triển các loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... Hiện Sở đã đưa Ia Grai vào đề án quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh nhằm đánh thức tiềm năng của vùng đất biên giới này”. Còn ông Dương Mah Tiệp-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai thì khẳng định: “Huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia những dự án phát triển du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất, từng bước đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành đòn bẩy để phát triển kinh tế huyện nhà”.

“Mùa cà phê thơm ngát đợi chờ”

Ia Grai là vùng chuyên canh cây công nghiệp rộng lớn với diện tích lên đến 35 ngàn ha, đứng thứ 2 của tỉnh. Mùa này, về các xã cánh Đông của huyện như: Ia Sao, Ia Yok, Ia Hrung, Ia Bă… du khách không khỏi xốn xang bởi vẻ đẹp tinh khôi của hoa cà phê bung trắng khắp các triền đồi. Nếu Tây Bắc có hoa ban trắng, cao nguyên đá Hà Giang có hoa tam giác mạch thì du khách đến với Tây Nguyên mùa này có thể tận hưởng vẻ đẹp tinh khiết của hoa cà phê. Hương hoa ngọt ngào quyện trong làn tóc xõa của các cô sơn nữ, những cánh bướm vàng chập chờn bay lượn bên những chú ong cần mẫn hút mật cho đời-đó là bức tranh tuyệt mỹ, êm nhẹ như bông của mùa xuân vùng biên giới...

Phương Loan-Phương Lộc

Có thể bạn quan tâm