Các chương trình nghệ thuật - giải trí chào xuân Mậu Tuất 2018 khá phong phú, như lời gọi quyến rũ đến du khách bốn phương.
Phố bích họa Phùng Hưng (Hà Nội) trở thành điểm hẹn của giới trẻ |
Sôi động nhất có thể kể ra là Hà Nội với nhiều chương trình - từ trẻ trung cho đến đầy màu sắc dân gian. Trong khi đó Huế - Hội An chào đón du khách bằng những hoạt động rất truyền thống.
* Hà Nội: tràn ngập không khí lễ hội
- Đón giao thừa với tiệc âm thanh và ánh sáng: Lễ hội âm thanh và ánh sáng đường phố diễn ra từ 22h - 24h đêm giao thừa (15-2) tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Bộ Công thương, công viên Thống Nhất, Nhà hát Lớn Hà Nội, trước cổng sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 diễn ra tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường Cách Mạng Tháng Tám - Nhà hát Lớn Hà Nội, trước cổng sân vận động quốc gia Mỹ Đình, trung tâm quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây và các địa điểm bắn pháo hoa trên thành phố vào 22h đêm giao thừa (15-2).
- Hội chữ xuân Mậu Tuất 2018 (kéo dài đến 22-2) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với nhiều hoạt động như trình diễn thư pháp, xin chữ, trò chơi dân gian, trải nghiệm các nghề truyền thống của làng nghề.
- Phố bích họa Phùng Hưng đã khai trương ngày 3-2 với 20 tác phẩm được vẽ trên cổng vòm của cầu đường sắt chạy trên phố Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một địa điểm để khách du xuân tham quan, chụp ảnh.
- Vui xuân Mậu Tuất - Sắc thái văn hóa Bình Phước tại Bảo tàng Dân tộc học vào ngày 24 và 25-2 (mùng 9 và mùng 10 Tết) sẽ giới thiệu văn hóa miền Đông Nam Bộ tới khán giả Hà Nội. Khán giả sẽ được xem cồng chiêng, hát dân ca (S'Tiêng), múa sa dăm, dàn nhạc ngũ âm (Khmer). Bảo tàng vẫn duy trì hoạt động viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, pháo đất, đánh đu...
- Triển lãm thư pháp Nét xuân - Art of Nôm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 2-2 đến 2-3-2018, trưng bày 50 tác phẩm thư pháp cổ điển và thư pháp tiền vệ của các tác giả, các nhà nghiên cứu thư pháp và văn tự chữ Nôm. Ngoài ra còn có không gian để các nhà thư pháp hướng dẫn các em thiếu nhi thực hành việc học viết chữ.
- Tết Việt Mậu Tuất 2018 diễn ra vào ngày 10-2-2018 tại làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội, gồm phần lễ Yết thành hoàng, lễ dựng nêu, lễ dâng vật phẩm cúng Thành hoàng.
Ngoài ra trong không gian này sẽ có giao lưu diễn xướng dân gian (chèo, xẩm, then, hát văn, thơ); viết thư pháp, làm tranh dân gian Kim Hoàng, tranh dân gian Đông Hồ; trình diễn áo dài nam truyền thống. Trong làng sẽ có các hoạt động ẩm thực như gói bánh chưng, trình diễn nấu chè kho đặc sản địa phương...
- Bắt đầu khai hội: Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (mùng 3 Tết), lễ hội Gò Đống Đa tưởng nhớ người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược (mùng 5 Tết), hội chùa Hương, hội Gióng, hội Bái Đính (mùng 6 Tết)...
- Tại làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc (từ 24 đến 25-2) với khoảng 200 người là đại diện các già làng, trưởng bản tiêu biểu, nghệ nhân của 21 cộng đồng dân tộc thuộc 14 tỉnh cùng tham dự ngày hội.
* Đến Huế vui hội đền Huyền Trân Công Chúa
Nếu có dịp đến Huế những ngày đầu năm, một trong những nơi du khách nên ghé đến chơi hội đó là lễ hội đền Huyền Trân Công Chúa tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, TP Huế). Đây là lễ hội được tổ chức thường niên trong hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng giêng âm lịch, nhằm tưởng nhớ và tri ân công chúa Huyền Trân - người có công lớn trong việc mở rộng bờ cõi nước Đại Việt dưới thời nhà Trần, trong đó có vùng đất Huế.
Với chủ đề "Ngưỡng vọng tiền nhân", năm nay lễ hội được diễn ra với quy mô lớn với đầy đủ hai phần lễ và hội. Phần lễ bao gồm các hoạt động như cáo giỗ, lễ kỵ, dâng hương tưởng nhớ công chúa Huyền Trân... do Hội đồng tộc trường làng An Cựu chủ trì. Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian đậm chất Huế như: biểu diễn võ kinh Vạn An, bài chòi, trưng bày nón lá, diều Huế...
Từ ngày 16 đến 18-2 (tức mùng 1 đến mùng 3 Tết Mậu Tuất), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ miễn phí vé vào cổng tham quan các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế cho người VN.
* Đoàn rước sắc bùa chúc xuân phố cổ Hội An
Trung tâm Văn hóa - thể thao TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tại phố cổ sẽ liên tục tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, trong đó điểm nhấn là chương trình nghệ thuật đêm giao thừa với Đoàn rước sắc bùa chúc xuân diễu hành khắp các tuyến phố để mang niềm vui và may mắn đến cho mọi người.
Cũng trong đêm 30 Tết, tại sân khấu vườn tượng An Hội sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật với sự tham gia biểu diễn của ca sĩ Ánh Tuyết - một người con của phố cổ Hội An, các ca khúc được lồng ghép các hoạt cảnh độc đáo chào mừng sự kiện nghệ thuật bài chòi miền Trung được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện nhân loại.
Các làng nghề truyền thống tại Hội An cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống theo phong tục của làng như: giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng vào ngày 21-2 (mùng 6 tháng giêng) tại xã Cẩm Kim; lễ hội cầu bông Trà Quế vào ngày 22-2 (mùng 7 tháng giêng) tại xã Cẩm Hà; hội bắp nếp Cẩm Nam vào ngày 2 và 3-3 (15 và 16 tháng giêng) tại xã Cẩm Nam.
Ngoài ra, các hoạt động thường xuyên diễn ra trong dịp Tết đến xuân về như: chợ hoa xuân Mậu Tuất, đua ghe đảo thủy đầu xuân, triển lãm ảnh "Tết Hội An xưa và nay", các trò chơi dân gian, hội thi hô hát bài chòi...
Công viên - khu du lịch văn hóa, điểm hẹn của du khách Sài Gòn
Chương trình sân khấu hóa Sơn Tinh- Thủy Tinh tại Suối Tiên |
Công viên văn hóa Đầm Sen Tết này tổ chức khá nhiều hoạt động. Trong đó, công viên sẽ tổ chức bắn pháo bông vào đêm giao thừa tại khu vực cầu Cửu Khúc.
Từ mùng 1 đến mùng 10 du khách sẽ được thưởng thức ba chương trình văn nghệ nổi bật mỗi ngày: 12h là chương trình hài Hội ngộ kỳ tài có sự tham gia của Hoài Linh, Chí Tài, Anh Vũ, Kiều Mai Lý, nhóm X-pro...
15h là chương trình Bolero cùng thần tượng với sự góp mặt của các ca sĩ: Ngọc Sơn, Dương Ngọc Thái và một số quán quân các cuộc thi bolero trên sóng truyền hình; 19h là chương trình Chat với ngôi sao dành cho các bạn trẻ với sự xuất hiện của Thanh Duy Idol, Đại Nhân, Issac, Ái Phương... Ngoài ra, công viên có các hoạt động như Ngày hội cún cưng, biểu diễn khí cầu Airship, vườn hoa ánh sáng, đại cảnh 3D, múa lân sư rồng...
Tết năm nay, khu du lịch văn hóa Suối Tiên sẽ khánh thành hai công trình mới: công trình Thủy tụ song long ngọc bảo được xây dựng theo thần thoại Việt - Nhật, với điển tích thần Daikokuten, cá thần Shachi và cá chép hóa rồng với mong ước mang đến sự giàu sang, sung túc; công trình cổng thành Thiên long phượng hoàng môn kết hợp văn hóa Đông Tây.
Công viên tổ chức các hoạt động văn hóa kéo dài suốt mùa Tết với các chương trình ca nhạc, hoạt cảnh dân gian, vũ hội lân sư rồng...
Theo TTO