(GLO)- Trường Sa có 3 loại cây phát triển tốt trong điều kiện biển đảo khắc nghiệt, đó là cây phong ba (cây bão táp), cây bàng vuông và cây tra (một loài cây gỗ lớn). Trong đó, bàng vuông và phong ba thường được biểu thị ý nghĩa kiên cường, quả cảm, vượt qua gian khó và chiến thắng của người lính đảo. Điều này có công bằng với tra không vậy? Nếu không tìm hiểu kỹ, thoáng nhìn rất khó phân biệt giữa tra với bàng vuông. Ở một số vùng, tra còn có tên gọi khác là bàng biển!
Không như đồng nghiệp Nam, Thiện (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Khánh Hòa) ra Trường Sa công tác thường xuyên, tôi vẫn cho mình may mắn vì cũng từng đến Trường Sa và biển đảo khu vực Tây Nam của Tổ quốc. Và ở đâu, 3 loại cây nói trên cũng hiện diện một cách sinh động, mạnh mẽ, kiên cường; từ Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Tre ở biển đảo Tây Nam hay Trường Sa, Trường Sa Đông, các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa.
Đặc biệt nhất, ấn tượng nhất về loài cây hoang dại kiên cường với người viết vẫn là tra ở Trường Sa. Vì đều là biển đảo nhưng không nơi nào điều kiện khắc nghiệt bằng Trường Sa mà cùng với phong ba, bàng vuông, tra vẫn có mặt. Vì không ở đâu như quần đảo Trường Sa, trên các đảo nổi, tra vẫn chiếm số lượng áp đảo so với các loại cây khác. Vì chủ quyền đất nước, tầm quan trọng và ý nghĩa nhìn từ biển đảo không thể không nói đến Trường Sa, mà mỗi hạt cát, hòn cuội, rạn san hô, gốc cây trong đó có tra… mặc nhiên có một vai trò nhất định. Và trong điều kiện đó, nhân vật trung tâm-người lính Trường Sa xứng đáng được ca ngợi, tự hào, yêu thương với vị trí “đầu sóng ngọn gió”, hiên ngang, anh dũng như phong ba, bàng vuông, tra không chịu cúi đầu hay gục ngã!
Nhớ lại chuyến ra Trường Sa năm đó, đâu đâu cũng thấy bóng tra mạnh mẽ, xanh tốt. Có thể nói nó là cây chủ lực trong cả quần đảo và trên các đảo nổi. Ấn tượng nhất có lẽ là hai hàng tra tán đan vào nhau kéo dài đến trung tâm chỉ huy huyện đảo. Cạnh các doanh trại bộ đội, ngôi chùa uy nghiêm, thâm trầm, sáng chiều vọng tiếng chuông ngân là những tán tra nổi bật. Điều đặc biệt là dọc đường đi, xung quanh lán trại bộ đội, tra đều rất tốt. “Là vì nó có hơi người. Là loài cây chịu hạn nhưng thỉnh thoảng tụi em cũng dành cho nó chút nước”-một chiến sĩ trả lời thắc mắc của tôi như thế. Phía bên trái ngôi chùa, từng gốc tra cổ thụ to lớn, tán rộng, gốc rễ “nổi gân” u nần cành nhánh vặn vẹo đan xen tỏa bóng mát rượi trong nắng trưa. Không ít khách ra đảo đã chọn mấy cội tra già, dáng đẹp tự nhiên này làm vài kiểu ảnh kỷ niệm.
Những hàng cây tra ấn tượng tại trung tâm chỉ huy huyện đảo. Ảnh: Thất Sơn |
Tra là loài cây có lá to, dày, lá non có thể ăn kèm với thịt, cá luộc hay nướng đều rất ngon. Có thể thực phẩm ngoài đảo khan hiếm, nhất là rau củ quả. Có thể từ lúc nào không rõ, ngư dân hay người lính biển tình cờ phát hiện lá tra non như một thứ gia vị ăn ghém ngon lành, thú vị. Tôi chưa thử nhưng lá tra non được lính đảo ví như “nho biển”, hẳn không phải không có lý!
Gần đây, nhiều người lấy làm thích thú trước thông tin như một phát hiện. Đó là lá tra trở thành nguyên liệu của nhiều vật dụng sinh hoạt và tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Và người “khởi nghiệp sáng tạo” với lá tra chính là anh Nguyễn Văn Tuyến ở Quảng Ngãi. Anh Tuyến từng rất thành công khi mày mò nghiên cứu, chế tạo rồi dùng khuôn ép lá sen, mo cau, mo tre thành cốc, chén, dĩa, thìa và nhiều vật dụng, tác phẩm nghệ thuật trang trí xinh xắn, đẹp mắt khác, trước khi sử dụng nguyên liệu là lá tra. Và thật không ngờ, sản phẩm làm từ lá tra của anh cũng nổi tiếng, hút hàng chẳng kém sản phẩm làm từ lá sen hay mo cau và đã xuất sang đến tận EU, Nhật, Bắc Mỹ. Từ ý tưởng tận dụng nguyên liệu có sẵn, dễ tìm, thân thiện với môi trường làm ra những sản phẩm hữu ích, anh Tuyến cho biết việc tìm đến lá tra xuất phát từ ý tưởng của cộng sự hưởng ứng thực hiện Đề án 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động. Và anh đã thành công, ý nghĩa việc làm còn vươn xa so với mục tiêu làm giàu.
Cuối tháng 8 vừa rồi, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức tìm hiểu về biển đảo Việt Nam và 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10). Cuộc thi nhằm khơi dậy tình yêu biển đảo, chiến công quả cảm của các thế hệ trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và thân yêu của Tổ quốc. Làm cho toàn xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự giàu đẹp, tiềm năng, thế mạnh biển đảo Việt Nam, nhất là về kinh tế biển; tầm quan trọng, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của biển đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Củng cố niềm tin, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong việc bảo vệ biên cương Tổ quốc, bảo vệ biển đảo trong tình hình mới…
Với hình thức trả lời các câu hỏi qua trang tin điện tử Tuyên giáo Gia Lai: http://www.thongtintuyengiaogialai.vn; Báo Gia Lai điện tử; gialaitv.vn và trang điện tử của các địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, sĩ quan, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đều dễ dàng theo dõi, tham gia hưởng ứng cuộc thi. Cuộc thi phát động từ ngày 23-8-2021 với 2 tuần/kỳ, kết thúc vào ngày 15-10-2021, mỗi kỳ có 11 giải thưởng. Hiện cơ quan phối hợp, thành viên các ban tổ chức, ban giám khảo, các bộ phận giúp việc đều đang tích cực làm việc, rà soát, cập nhật tình hình, đánh giá kết quả, khen thưởng, trao giải, đúc rút kinh nghiệm.
Dĩ nhiên, theo dõi cuộc thi, thông qua các câu hỏi của từng kỳ thi, tình yêu và sự giàu đẹp của biển đảo Việt Nam đã được các thí sinh nghiên cứu, tìm hiểu và trả lời rất đúng, rất hay, rất phong phú, đặc biệt là cảm nhận, liên hệ riêng mình. Và bên cạnh hình ảnh cây phong ba, cây bàng vuông-biểu tượng người lính đảo kiêu hãnh, gan góc, hiên ngang, người viết mong muốn chia sẻ thêm nhận thức và kỷ niệm của mình về một loài cây cũng rất thân thuộc nơi biển đảo tiền tiêu Tổ quốc: cây tra.
THẤT SƠN