Chăm lo đối tượng chính sách là nhiệm vụ hàng đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Thành phố Pleiku là một trong những địa phương có số lượng người có công với cách mạng nhiều nhất tỉnh. Đây cũng là địa phương tiêu biểu, đi đầu trong công tác triển khai thực hiện các chính sách đối với người có công. Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, P.V Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku về một số vấn đề liên quan đến công tác này của thành phố trong thời gian qua.

* P.V: Thưa ông, trong những năm qua, ngoài thực hiện chính sách chung của Đảng và Nhà nước, TP. Pleiku có những chính sách quan tâm đặc thù gì đối với đối tượng người có công trên địa bàn?
 

Lãnh đạo TP. Pleiku thăm và tặng quà các gia đình chính sách. Ảnh: Lê Hòa
Lãnh đạo TP. Pleiku thăm và tặng quà các gia đình chính sách. Ảnh: Lê Hòa

- Ông Trần Xuân Quang: Hiện nay, tổng số đối tượng chính sách, người có công đang hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng trên địa bàn TP. Pleiku là 2.779 người, chiếm gần 15% dân số của thành phố. Trong đó, thương binh 1.201 người, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 950 người, tù chính trị 170 người, bệnh binh 152 người, gia đình liệt sĩ 294 gia đình, cán bộ người có công giúp đỡ cách mạng 120 người…

Trong các năm qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chú trọng và xem đây là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên nhằm tập trung huy động các nguồn lực Nhà nước-doanh nghiệp-cộng đồng dân cư để giúp cho người có công có cuộc sống ổn định ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở địa phương.

Nguồn kinh phí trợ cấp hàng tháng dành cho các đối tượng người có công trên địa bàn thành phố trung bình khoảng 3,2 tỷ đồng/tháng. Công tác chi trả trợ cấp, phụ cấp cho các đối tượng người có công theo chính sách của Đảng và Nhà nước luôn được tiến hành kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng.

Bên cạnh chính sách chung của Đảng và Nhà nước, công tác xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của thành phố luôn được các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang quan tâm đóng góp. Từ nguồn quỹ này, hàng năm, thành phố dành để hỗ trợ cho các hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở. Từ năm 2008 đến nay cán bộ, công nhân, viên chức của các cơ quan đơn vị của thành phố đã tự nguyện đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với tổng số tiền 3,9 tỷ đồng.

Ngoài sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phong trào thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của thành phố còn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thông qua các hoạt động thiết thực. Từ năm 2008 trở lại đây, thành phố đã xây dựng 52 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 86 căn nhà với tổng kinh phí 1,581 tỷ đồng để tặng cho 138 thương-bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Riêng năm nay, thành phố đã tổng hợp có 57 hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở và có kế hoạch hỗ trợ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, từ nguồn lực kêu gọi xã hội hóa công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, thành phố và các xã, phường đã trao tặng 190 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho 40 thương binh, 132 gia đình liệt sĩ, và 18 người có công với tổng số tiền 247 triệu đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp tặng 152 sổ, các tổ chức và doanh nghiệp tặng 38 sổ.

Từ các hoạt động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của thành phố đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu trong thương-bệnh binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng đã phấn đấu vượt lên thương tật, bệnh tật và những khó khăn, vất vả của đời thường xây dựng kinh tế gia đình ổn định và phát triển, tích cực tham gia công tác xã hội, thực sự là những tấm gương sáng cho các gia đình chính sách và nhân dân noi theo.
 

Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa

* P.V: Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện công tác chăm lo cho các gia đình chính sách ở TP. Pleiku hiện nay là gì?

- Ông Trần Xuân Quang: Pleiku là nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, đây là điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực cùng chung tay chăm sóc, giúp đỡ người có công. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thực hiện chính sách ngày càng được kiện toàn, nắm vững các chủ trương, chính sách để triển khai thực hiện, đảm bảo thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.

Tuy nhiên, là địa phương có số lượng đối tượng chính sách tương đối lớn (chiếm 15% tổng số dân) cũng ít nhiều tạo áp lực đến việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các chính sách dành cho người có công. Sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị-nông thôn ngày càng lớn khiến cho việc nâng cao đời sống cho đối tượng chính sách, đặc biệt là đối tượng người dân tộc thiểu số ngày càng khó khăn. Trong khi đó, các đối tượng chính sách đều có sức khỏe yếu bởi thương tật, di chứng… hạn chế khả năng lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế dù bản thân họ là những người có ý chí, không ngại khó, ngại khổ.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Lê Hòa (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm