Thời sự - Bình luận

Chăm lo sức khỏe người dân tốt hơn nữa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vừa qua, công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, với việc đóng góp, đề xuất nhiều ý kiến, nội dung khác nhau.

 

Bác sĩ khám bệnh cho người dân tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: TTXVN)
Bác sĩ khám bệnh cho người dân tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: TTXVN)


Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, khả năng tiếp cận với dịch vụ và chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới. Tuy nhiên, Luật nói chung và công tác khám bệnh, chữa bệnh nói riêng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập và có những quy định cần thiết phải sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Các đại biểu Quốc hội băn khoăn, trăn trở nhiều vấn đề đang ảnh hưởng công tác chăm sóc sức khỏe người dân trong cuộc sống hằng ngày. Trong đó, đáng chú ý là chủ trương xã hội hóa lĩnh vực khám, chữa bệnh. Nếu Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa, về liên doanh, liên kết có thể sẽ giúp cho các bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại, từ đó mang lại lợi ích cho người dân và mang lại lợi ích cho nền y tế nước nhà. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để có những quy định cụ thể trong dự án Luật những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, cần bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm, chống tham nhũng.

Gắn liền công tác khám bệnh, chữa bệnh là các quy định về thanh toán bảo hiểm y tế cho người dân khi đến khám,chữa bệnh tại các cơ sở y tế nói chung và các cơ sở liên doanh, liên kết nói riêng. Ðây là nội dung rất cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn khám bệnh, chữa bệnh phù hợp điều kiện thực tế.

Các quy định về lĩnh vực này cần thông thoáng, không gây khó khăn, phiền hà. Thời gian vừa qua, một số địa phương đã mất rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ vướng mắc về công tác thẩm định, phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, khiến cơ sở bị tạm ngừng thanh toán, quyết toán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ sở và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, để công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân thật sự thông suốt về quy trình, thông thoáng về thủ tục, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát và bảo đảm sự đồng bộ giữa Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này với các luật liên quan, như:

Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Hình ảnh cán bộ y tế tận tâm với nghề, thể hiện tinh thần hy sinh, gắn bó, ứng xử hài hòa, tận tình chăm sóc người bệnh, xông pha chống dịch Covid-19 ba năm qua đã gây ấn tượng sâu sắc với hàng triệu đồng bào. Thế nhưng cũng còn một bộ phận y, bác sĩ ngày càng rời xa mục đích cao cả của ngành y... Tại nghị trường Quốc hội, có đại biểu đã nhấn mạnh: Y học nước ta có tiến bộ, đội ngũ y, bác sĩ tay nghề chuyên môn cao ngày càng nhiều, tuy nhiên chưa tỷ lệ thuận với y đức.

Kể cả những bệnh viện tuyến trên, những bệnh viện có uy tín trong kỹ thuật y khoa, có đội ngũ y, bác sĩ tay nghề cao, nhưng vẫn ứng xử chưa tốt với người bệnh… Về nội dung này, từ nhiều năm trước đây, Bộ Y tế cũng đã quyết định, ban hành cụ thể 12 nội dung, tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế và đây là những điều cần được xem xét để đưa vào dự thảo luật như một nền tảng, một cơ sở quan trọng để thực thi tốt việc khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

Theo ĐAN ANH (NĐDT)

 

Có thể bạn quan tâm