Thời sự - Bình luận

Chăm sóc người cao tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Việt Nam là một nước có tốc độ già hóa nhanh chóng, số lượng người cao tuổi ngày một tăng với gần 11,5 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Tuy nhiên, người cao tuổi vẫn là nguồn lực rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của đất nước.

 

Ảnh: Minh Duy
Ảnh: Minh Duy


Hiện cả nước có hơn 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, trong đó gần 100 nghìn người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, gần 400 nghìn hội viên cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; hơn 90 nghìn người cao tuổi tiếp tục đóng góp kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, trang trại. Ngoài ra, hơn 1,1 triệu người đang tham gia vào các hoạt động xã hội ở cơ sở như bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, khu dân cư, tổ dân phố… Và thời gian qua, trong đại dịch Covid-19, người cao tuổi là nghệ nhân, nhà văn hóa, nhà trí thức, thầy cô giáo nghỉ hưu, y, bác sĩ đã có những hoạt động tích cực, đóng góp cho xã hội, cộng đồng khi tham gia các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Thế nhưng, bên cạnh những niềm vui, vẫn tồn tại những con số suy tư, trăn trở khi không ít người cao tuổi hiện không có tích lũy, thu nhập thấp. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước. Một bộ phận phải sống dựa vào con cái, nhiều người sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa rất cần sự trợ giúp của cộng đồng, xã hội. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có tới 60% số người cao tuổi trong độ tuổi từ 60 đến 69 đang tiếp tục làm việc. Nhiều người cao tuổi tuy đã hết tuổi lao động vẫn có nhu cầu tìm kiếm việc làm, kiếm thêm thu nhập, tự trang trải cuộc sống, san sẻ gánh nặng cho con cái, xã hội. Việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi, nhất là khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm, chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

Muốn giúp người cao tuổi tìm được việc làm theo nhu cầu, nguyện vọng, đã đến lúc chúng ta cần rà soát chính sách, pháp luật cho cả hai đối tượng: người lao động và người sử dụng lao động. Để có thể tận dụng nguồn lao động này, quan trọng nhất là việc kết nối giữa người sử dụng lao động với người lao động. Do đó, cần đưa ra các chính sách nhằm đánh giá, tìm hiểu nhu cầu của người lao động sắp bước vào độ tuổi của người cao tuổi, đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động với người cao tuổi; xây dựng các sàn giao dịch việc làm; thành lập trung tâm giới thiệu việc làm dành riêng cho nhóm đối tượng đặc biệt này, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận người cao tuổi vào làm việc...

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng trí tuệ, tài sản của người cao tuổi, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng người cao tuổi như: giảm thuế, giảm chi phí đóng góp từ người cao tuổi; áp dụng công nghệ mới hỗ trợ cho người cao tuổi vào làm việc... Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về việc làm cho người cao tuổi; rà soát, nghiên cứu các vấn đề an sinh xã hội đối với đối tượng này cũng như hỗ trợ chính sách như vay vốn, đào tạo, kỹ năng mềm; hoàn thiện pháp luật có liên quan.

Theo THÁI SƠN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm