Bạn đọc

Chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình trạng giống cây trồng trôi nổi, kém chất lượng làm “loạn” thị trường, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã phối hợp với các địa phương đồng loạt ra quân thanh-kiểm tra, rà soát các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn.

Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) khẳng định: Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức thanh-kiểm tra chất lượng giống cây trồng với quy mô lớn và toàn diện. Đối tượng thanh-kiểm tra lần này tập trung vào các nhóm giống cây công nghiệp dài ngày, cây hàng năm và cây ăn quả.

 

Việc người dân sử dụng giống không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vườn hồ tiêu bị chết hàng loạt.                                                                                                  Ảnh: M.N
Việc người dân sử dụng giống không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vườn hồ tiêu bị chết hàng loạt. Ảnh: M.N

Kết quả thanh-kiểm tra 62 tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất và kinh doanh giống cây trồng cho thấy, đối với giống cây hàng năm, nhà vườn chủ yếu ký hợp đồng cung cấp cây giống với các công ty sản xuất giống và thuốc bảo vệ thực vật thông qua các hội thảo đầu bờ. Đây là những đơn vị thuộc các viện chuyên môn, có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép bởi Bộ Nông nghiệp và PTNT nên chất lượng giống tương đối đảm bảo.

Tuy nhiên, từ việc thanh-kiểm tra đột xuất này, lực lượng chức năng đã phát hiện 49 cơ sở không đảm bảo ít nhất một trong 13 tiêu chí về sản xuất kinh doanh giống cây trồng. Đó là các lỗi như: không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ giống cây trồng; không đảm bảo yêu cầu về nhãn mác; không đảm bảo các điều kiện chuyên môn để sản xuất giống... “Đối với các tổ chức, cá nhân chưa đủ điều kiện, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã in mẫu cam kết gửi về các địa phương để tổ chức ký cam kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng. Nếu các cơ sở tiếp tục kinh doanh thì phải hội đủ các tiêu chí quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng, cũng như các quy định của pháp luật về lĩnh vực này”-ông Uyển cho biết.

 

Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT): Cuối năm 2016, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến việc siết chặt quản lý chất lượng giống cây trồng trên địa bàn. Khi có các văn bản hướng dẫn, ngành Nông nghiệp và PTNT đã cùng các địa phương tổ chức phổ biến, hướng dẫn đến các cơ sở, các cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng.

Cũng theo ông Uyển, nỗi lo lớn nhất hiện nay là nhóm cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Đối với nhóm cây này, ngành Nông nghiệp và PTNT chưa nắm hết được trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất giống thương mại. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều nhà vườn, do không tin tưởng vào chất lượng giống ở các cơ sở cung cấp giống, hoặc do tiết kiệm chi phí sản xuất nên đã tự tổ chức ươm giống phục vụ cho chính vườn cây của gia đình. Tuy nhiên, do không nắm được quy trình nghiêm ngặt của kỹ thuật ươm giống, các hộ này đã vô tình làm hại chính vườn cây của mình, đồng thời còn làm lây lan mầm bệnh sang vườn bên cạnh.

“Thành công của đợt thanh-kiểm tra này là đã tuyên truyền, giúp các cơ sở sản xuất giống, các nông hộ nắm rõ quy trình sản xuất giống an toàn. Nhờ vậy, nhà vườn sẽ có ý thức lựa chọn các cơ sở sản xuất giống đảm bảo. Trước đó, một số cơ sở, đơn vị tự ý tổ chức hội thảo ở các địa phương không thông qua ngành Nông nghiệp và PTNT dẫn đến việc có nhiều loại giống không đảm bảo chất lượng, hoặc các đơn vị không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng cung cấp giống, làm cho nông dân thiệt thòi trong sản xuất. Việc một số sản phẩm như bí, ớt... không tiêu thụ được ở Gia Lai mới đây là ví dụ điển hình”-ông Uyển cho biết.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm