Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị vùng DTTS ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc xây dựng và phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở được xác định là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Do đó, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS).
Năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 02-ĐA/TU về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2015; Đề án 03-ĐA/TU về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác. Thực hiện các đề án trên, toàn tỉnh có 84 cán bộ, công chức cấp huyện được tăng cường bố trí các chức vụ chủ chốt cấp xã và có 141 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại các xã vùng II, vùng III. Sau 5 năm (2009-2013) triển khai Đề án 03 đã có 106 sinh viên ra trường được tuyển dụng vào các cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã; có 13 sinh viên tốt nghiệp đại học được bầu vào HĐND cấp xã. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức cấp xã toàn tỉnh có 4.660 người  (29,4% là người DTTS) và 11.556 cán bộ hoạt động không chuyên trách (47,8% là người DTTS).
  Lãnh đạo tỉnh thăm làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện)-một trong những làng nông thôn mới đầu tiên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Ảnh: Đức Phương
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai thăm làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện)-một trong những làng nông thôn mới đầu tiên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Ảnh: Đức Phương
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS được chú trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, giới thiệu những cán bộ DTTS ưu tú để kết nạp vào Đảng; quy hoạch cán bộ người DTTS cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời, quán triệt sâu sắc quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo của Đảng về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng quy hoạch theo quy trình chặt chẽ; xác định đầy đủ, rõ ràng nội dung của quy hoạch; xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ trên từng lĩnh vực công tác và phù hợp với thực tiễn. Qua đó, đội ngũ cán bộ người DTTS được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 5.275 cán bộ, công chức người DTTS, trong đó cấp tỉnh 1.192 người (chiếm 12,8%), cấp huyện 2.711 người (chiếm 13,7%), cấp xã 1.372 người (chiếm 29,4%). Số lượng cơ cấu đại biểu HĐND các cấp người DTTS nhiệm kỳ 2016-2021 là 2.636 người. Số ủy viên cơ cấu trong Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp người DTTS nhiệm kỳ 2014-2019 có 3.638 vị.
Bên cạnh việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS thì công tác phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở vùng đồng bào DTTS cũng được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 21 Đảng bộ trực thuộc với 1.022 tổ chức cơ sở Đảng; 14.141 đảng viên người DTTS, chiếm 24,46% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Trong đó, đảng viên là người dân tộc Jrai 8.038 đồng chí (chiếm 13,9% tổng số đảng viên toàn tỉnh); đảng viên là người dân tộc Bahnar 4.481 đồng chí (chiếm 7,75%)...
Cùng với đó, việc phát huy vai trò của người có uy tín, cốt cán tôn giáo ở vùng DTTS và miền núi tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã xét, công nhận 1.256 người uy tín. Công tác xây dựng, phát huy vai trò của cốt cán, người có uy tín trong tôn giáo cũng đạt được những kết quả tích cực. Nhân dịp lễ, Tết, cấp ủy, chính quyền các cấp đều đến thăm hỏi, động viên, làm tốt việc xét khen thưởng cho những người có uy tín, cốt cán đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Kết quả trên cho thấy, việc củng cố, đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vùng DTTS phải luôn thống nhất với thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nhiệm vụ xây dựng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở phải gắn chặt với thực hiện tốt các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.
 NGỌC HẢI

Có thể bạn quan tâm