Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức: Cần quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), chiều 18-5, Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển”. Tham dự hội thảo có Ban Giám hiệu, các giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình-Hiệu trưởng nhà trường chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, luận bàn Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời nêu rõ những khó khăn, thách thức đối với việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ này trong thời đại mới. 
Nhiều thách thức    
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS. Nguyễn Thái Bình nêu quan điểm: Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ có lập trường, tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng; có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật; luôn tu dưỡng, rèn luyện để trình độ, năng lực ngày càng được nâng lên. 
Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh luôn quán triệt nguyên tắc lý luận đi đôi với thực tiễn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ảnh: ĐỨC THỤY
Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh luôn quán triệt nguyên tắc lý luận đi đôi với thực tiễn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ảnh: ĐỨC THỤY
Dù vậy, TS. Nguyễn Thái Bình cũng chỉ ra những hạn chế của công tác cán bộ hiện nay: “Đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Chúng ta còn thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, làm việc hời hợt, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh”.
Thời gian tới, nước ta sẽ bước vào giai đoạn chuyển giao giữa 2 thế hệ cán bộ thời chiến và thời bình. Đây cũng là thời đại của sự bùng nổ khoa học-công nghệ, kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực. Điều này mang đến nhiều thuận lợi và thách thức cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, ngày 19-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Nghị quyết nhấn mạnh: Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.
Đào tạo lý luận gắn với thực tiễn
Hiệu trưởng Nguyễn Thái Bình nhận định: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Toàn bộ tư tưởng của Người đã thể hiện một cách đầy đủ và sâu sắc từ việc xác định vị trí, tầm quan trọng của công tác cán bộ đến nhiệm vụ cụ thể của quá trình huấn luyện cán bộ, đánh giá và sử dụng cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu khi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước hết, cần bảo đảm nguyên tắc “thực tiễn sâu sắc”. Người cho rằng, phương thức đào tạo, huấn luyện phải cụ thể, thiết thực, phải căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, trình độ cán bộ để tiến hành”.
ThS. Lê Thị Tình-giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật cũng đúc rút từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: Bản chất của việc huấn luyện cán bộ chính là làm cho cán bộ hiểu rõ và thực hành lý luận đúng đắn, là để đưa lý luận vào thực tiễn công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Huấn luyện lý luận cho những cán bộ cao cấp cho đến nay hoặc chưa làm, hoặc làm không đúng, lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy theo cách học thuộc lòng”. Chính vì vậy, Người đề ra yêu cầu phải gắn lý luận với thực tế, học đi đôi với hành.

Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức: Cần quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh ảnh 2

Quang cảnh Hội thảo khoa học "Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhật và phát triển". Ảnh: ĐỨC THỤY

Để việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt hiệu quả, TS. Nguyễn Thái Bình nêu quan điểm: “Công tác đào tạo cán bộ không chỉ thực hiện ở khía cạnh lý luận mà còn phải chú trọng bồi dưỡng năng lực thực tiễn như luân chuyển, cử đi nghiên cứu thực tiễn, tham quan học hỏi kinh nghiệm... nhằm gắn công tác đào tạo với bố trí sử dụng cán bộ. Cần thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào đối với công chức, viên chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực”.
Thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức đăng ký theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh. Điều này thể hiện nhu cầu học tập, phát triển, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ngày càng cao. ThS. Trần Phú Quý-Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học-nêu ý kiến: “Trường Chính trị tỉnh là nơi đào tạo, huấn luyện cán bộ, công chức, viên chức. Do vậy, trong quá trình giảng dạy, cán bộ, giảng viên luôn quán triệt nguyên tắc lý luận đi đôi với thực tiễn. Muốn làm được điều đó, cán bộ, giảng viên ngoài nắm vững lý luận Mác-Lênin và các kiến thức chuyên ngành cần thiết thì phải có một lượng kiến thức thực tiễn tương ứng. Như vậy bài giảng mới có tính thuyết phục, sinh động. Tuy nhiên, kiến thức thực tiễn không đơn thuần chỉ là sự trải nghiệm, cóp nhặt mà quan trọng là phải vận dụng lý luận được trang bị để phân tích, kiến giải các vấn đề phát sinh trong thực tiễn một cách khoa học và thuyết phục”.
Sau khi lắng nghe các tham luận, ghi nhận ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Thái Bình kết luận: Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay, trước hết cần quán triệt sâu sắc Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng chức danh, vị trí. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh. Đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là không chỉ nêu ra được yêu cầu mà phải có biện pháp tích cực để thực hiện yêu cầu đó. Tận dụng những điều kiện sẵn có của đơn vị để chủ động, tích cực thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về vật chất, tinh thần, thời gian cho các cán bộ được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng.
PHƯƠNG LINH    

Có thể bạn quan tâm