Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Dã quỳ trong tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm rồi xa nhà nên không được chứng kiến mùa dã quỳ nở rộ, tôi bỗng nao lòng trước những bức ảnh dã quỳ vàng ươm trên lưng đồi quê hương.



Tuổi thơ những đứa trẻ nông thôn chúng tôi đã quá quen thuộc với sự hiện diện của dã quỳ. Ngày ấy, đâu mà chẳng thấy dã quỳ. Hễ có khoảng đất nào bỏ trống thì dã quỳ bám rễ, sinh sôi, chẳng cần ai trồng cấy. Mỗi con đường đất đỏ được viền quanh bởi những vạt dã quỳ trải dài tít tắp. Giữa ranh giới của những rẫy cà phê, dã quỳ cũng... tranh thủ đua chen. Trong hố bom khoét sâu một vùng đất như cái thung lũng thu nhỏ, dã quỳ dày đặc phủ kín. Thành ra, sự hiện hữu của dã quỳ là một điều bình thường như bao loài hoa dại ven đường khác. Thêm nữa, mùi hoa dã quỳ lại chẳng dễ chịu nhẹ nhàng như hoa hồng hay thơm nồng phảng phất như hoa ly. Nó hăng hắc, không dễ ngửi chút nào. Ngày nhỏ, mẹ bảo tôi hái dã quỳ về cho mẹ ngâm chân nứt nẻ, tôi cứ nhắm mắt nhắm mũi mà hái, bởi không chịu nổi cái mùi hương khó chịu của nó. Thế đấy, dã quỳ không phải quý hiếm, cũng chẳng có mùi thơm nên nào có ai để ý tới phận hoa bên lề ấy.

 Minh họa: huyền Trang
Minh họa: huyền Trang



Đó là ngày xưa thôi, còn bây giờ đã khác. Người ta đã hướng sự chú ý tới dã quỳ, thậm chí có cả một lễ hội để tôn vinh nó. Giờ đây, dã quỳ tràn ngập trên facebook, khoe sắc vàng rực rỡ nổi bật giữa nền xanh non của lá, xanh lơ của trời khiến những đứa trẻ nông thôn ngày ấy phải bất ngờ về vẻ đẹp của nó. Bỗng giật mình, bây giờ trở về quê, đâu còn thấy dã quỳ mênh mông như ngày nhỏ. Đất sống của dã quỳ bị thu hẹp đi bởi những công trình san sát hay bàn tay phát quang của con người. Dã quỳ chỉ còn rải rác lẻ tẻ trên những khoảng đất trống nho nhỏ nào đó mà thôi. Đấy, bao lâu không màng tới dã quỳ, đến khi hoa hiện hữu ít đi, lại giật mình về sự thiếu vắng của nó, rồi hoài niệm ngày xưa.

Vậy là nhờ mạng xã hội, mà tôi mới chợt nhận ra vẻ đẹp hoang sơ của những thảm dã quỳ trải dài đến bất tận trên cao nguyên đất đỏ. Có lẽ giờ đây, người ta quay lại với vẻ đẹp hồn nhiên của dã quỳ cũng bởi cái chất cao nguyên tự nhiên phóng khoáng ẩn tàng, khiến người ta thích được trở về với đất trời gió lộng và dạo chơi bên những triền đồi bạt ngàn dã quỳ. Chỉ có chốn ấy mới khiến người ta cảm giác thư thái và tự do chăng? Hay người ta đã cảm thấy bão hòa bởi vẻ đẹp kiêu kỳ và sang trọng của các loài hoa như hồng, huệ tây hay lan hồ điệp… nên muốn tìm kiếm một loài hoa bình dị, tự nhiên và hoang dại như dã quỳ?

Nhiều người bạn xứ đồng bằng của tôi không biết, cứ bảo dã quỳ giống hướng dương. Nào có phải thế! Hướng dương đẹp theo kiểu hoàn hảo. Cánh nào như cánh nấy, cứng cáp và đều tăm tắp. Mỗi cây hướng dương luôn đứng một mình, những bông hoa tỉa ra xung quanh một cái thân chính lớn. Còn dã quỳ thì đẹp theo kiểu tự nhiên. Cánh dài ngắn, to nhỏ, mềm mại uốn cong không đều. Chẳng bao giờ thấy nó mọc một cây, mà luôn luôn thành cụm. Cành lá vương vít, đan xen nhau tạo thành thảm, còn hoa điểm vàng rực rỡ trên cái nền xanh lá ấy. Hướng dương vì vẻ cứng cáp và kiêu sa của nó, cộng thêm cái sức chống chịu bền bỉ khi lìa cành, nên chỗ của nó là những nơi hội hè, lễ lạt. Nó là quà để trao gửi cho nhau. Còn dã quỳ, hiếm ai có thể giữ nó tươi lâu sau khi bứt hoa lìa cành. Dã quỳ chỉ mãnh liệt và rạng ngời giữa cái gió mùa khô hanh hao vi vút, giữa cái bụi bặm của những “cơn lốc đỏ” bazan. Hoa đời đời chung thủy với cao nguyên nắng gió, không một ai có thể tách hoa ra khỏi nơi nó thuộc về.

Dã quỳ không đua chen hương sắc, chỉ khiêm nhường bám đất cao nguyên. Nhưng nó vẫn mãnh liệt vươn cao giữa đất trời, vẫn nổi bật, vẫn tỏa sáng như một biểu tượng đầy tự hào của quê hương xứ sở... 

 NGUYỄN ĐỨC HIỀN

Có thể bạn quan tâm