Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đào An Duyên: Bay lên “Trên tầng sâu ý nghĩ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đào sâu hơn nữa cánh đồng chữ nghĩa, lắng lại tận cùng bản thể để rồi bay lên cùng những suy nghiệm sâu xa… là điều khiến tập thơ thứ 3 vừa ra mắt của nhà thơ Đào An Duyên chạm đến cảm xúc của độc giả.

Không dừng ở mong mỏi làm mới mình để có “Một ngày khác ta” như trong tập thơ thứ 2, tập thơ mới nhất của nữ nhà thơ này mang chủ đề rất gợi: “Trên tầng sâu ý nghĩ”. Từ “khác” đến “sâu” đã đánh dấu thêm bước chuyển làm nên độ chín của một gương mặt quen thuộc trong văn giới Gia Lai.

Đào An Duyên là giáo viên Ngữ văn, Thạc sĩ Văn học nên con đường đến với văn chương của chị trải ra rất tự nhiên. Dù vậy, nếu không có sự rèn giũa, chỉn chu và nỗ lực tự làm đầy thêm trải nghiệm thì khó mà có một Đào An Duyên là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Mới đây, chị cũng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Như một kiểu tương sinh, mỗi một vùng đất in dấu chân con người cũng đồng thời khảm vào tâm hồn người ấy những kỷ niệm. Nhà thơ Đào An Duyên từng tỏ bày: “Tôi là người gốc Bắc. Tôi luôn tự hào vì trong mình có 2 nét tính cách của 2 vùng đất, một là đất Bắc-nơi sinh ra tôi và một là Gia Lai-nơi nuôi dưỡng tôi trưởng thành như bây giờ”. Mang cảm thức ấy, thơ Đào An Duyên như “con lắc” đều đặn chao về cả 2 miền quê hương.

Tập thơ “Trên tầng sâu ý nghĩ”. Ảnh: P.D

Tập thơ “Trên tầng sâu ý nghĩ”. Ảnh: P.D

Vì lẽ đó, thơ chị luôn đăm đắm niềm nhung nhớ về xứ Bắc, về mẹ: “Con lận đận nổi chìm trăm phía gió giông trôi/Lòng chưa lúc nào nguôi thương quê nhà phía bão/Hạt lúa chưa kịp chắc mình cúi nhìn nơi chôn nhau cắt rốn/Đã đớn đau mang phận nảy mầm/Con trở về ngồi lặng với dòng sông/Hun hút cuộc người. Trở về nhà mình như khách lạ/Chỉ có gió bao dung ngày cũ/Và cỏ vẫn xanh như con chưa từng xa” (Thả xuống một dòng trôi).

Mỗi câu thơ còn như một nét cọ họa lại chân dung một Tây Nguyên tưởng xa mà gần, tưởng cũ mà mới: “Người đàn bà Jơrai ngồi dệt vải/Chiều trở đông/Cái rét chạm ngõ gõ cửa như người quen cũ/Bàn tay mải miết đưa thoi/Những sợi chỉ màu đan vào nhau/Đan vào cả chút nắng chiều sót lại/Người đàn bà nghĩ gì?Mà mắt hoang lộng trong chiều gió?” (Mắt chiều).

Song, nếu chỉ đơn thuần dừng lại ở nét trữ tình và niềm nhớ thương về 2 vùng đất ấy thì câu chữ của Đào An Duyên đã không trĩu xuống một sức nặng thấy rõ của cảm xúc. Chợt nghĩ, thơ là gì nếu không phải là cái nhìn thật sâu, thật lâu vào nỗi lặng lẽ của mình, của người, giữa bốn bề vọng động. Cái tôi ấy sẽ không là đơn lẻ khi hòa với nhân sinh, khi đọng lại như sương trên lá những câu hỏi về nỗi đau và hạnh phúc.

Thế nên, trong tập thơ “Trên tầng sâu ý nghĩ”, khi viết về xứ Bắc, chị đã gửi vào đó nhiều ưu tư, chiêm nghiệm bằng mạch thơ giàu tính liên tưởng, giàu hình tượng: “Như dòng sông uốn mình về phía trong xanh/Phù sa dạy con đưa bàn tay ấm cho người trong cơn hoạn nạn/Như hạt muối tự ướp mặn mình/Như chùm quả chín dần vị ngọt/Ruộng đồng thấm vào con bao lẽ ở đời/Vẫn thấy mình chân trần mê mải/Chạy trên cánh đồng mùa đông/Chiếc nùn rơm vừa giữ ấm vừa làm cay mắt/Những cú ngã vừa đau vừa giúp mình cứng cáp/Con như hòn đất phơi tháng năm sâu dưới đường cày...” (Gom buổi chiều chật gió).

Và đây nữa, vẫn là thể thơ tự do trong bài “Trên cánh đồng mùa xuân”: “Giữa cơn đau tứ bề người vẫn nhắc con đừng buồn/Khiến con thấy nỗi buồn mình nhỏ bé/Như trên cánh đồng mùa xuân/Con đã quên nỗi đau đường cày/Khi người ta biết cất lời hát ca ngợi mùa vàng/Là khi từng thớ đất hồi sinh cơn đau phơi mình tháng Chạp…”.

Cả hình ảnh hàng tượng nhà mồ kham nhẫn cũng hàm chứa bao nỗi tư lự của tác giả, để rồi lồng vào đó một góc nhìn nhân sinh. Chị viết: “Thăm thẳm chiều/Lặng phắc những pho tượng/Mặt cười/Mặt khóc/Mặt trầm ngâm/Không có gương mặt nào đắc thắng (…)/Tôi ngước nhìn những pho tượng lặng im bên nhà mồ/Chiều thanh thản trôi vào đêm/Tái sinh tôi/Trôi vào kiếp người không toan tính” (Tái sinh).

Ngẫm ngợi với những dòng tâm cảm, đôi lần ta tự hỏi, có ai không từng gánh một nỗi đau, không từng một vài lần tưởng như vô hướng trong đời sống này? Và Đào An Duyên đã nói hộ tâm trạng ấy bằng những câu không thể hoang hoải hơn: “Tôi nói với lặng im/Này tôi mệt nhoài chạy đua với thời gian/Một ngày tôi lạc mình giữa mình xa lạ/Giữa lao xao nói cười/Tôi rỗng những tệp không” (Lời của lặng im).

Cùng những trầm ngâm đến mức lặng phắc ấy còn hiện hữu nỗi tiếc nuối đẹp đẽ về tình yêu: “Từng có những khoảng chênh vênh/Mưa trên tháng ngày mình chập chững tập hiểu về hạnh phúc/Khi em không còn là mình/Anh có tiếc tháng ngày đã từng tha thiết” (Trên tầng sâu ý nghĩ).

Để rồi, sau cú “rơi tự do” về cảm xúc, thơ chị lại đập cánh bay lên nhuần nhị, ấm nồng với lời tự sự của người đã đi qua những mùa bão của đất trời và của cả lòng mình. “Em nghe tiếng chồi non tách vỏ cựa mình/Rồi một ngày lá lại xanh khu vườn sau bão/Hoa thảo linh sẽ lại thắp sáng đêm/Em đã nghĩ nhiều về sự đổ vỡ trên thế gian/Có lành lặn nào mà không trả giá/Những bông hoa chưa kịp nở/Những chồi non gió tướp mưa vùi” (Trong khu vườn sau bão).

Sự cẩn trọng, chắt chiu với từng câu chữ (đã làm thành tính cách điển hình của chị) may thay không trói buộc ý tứ mà ngược lại làm cho những triết lý giản dị về đời sống đi thẳng vào lòng người.

Đáng chú ý, trong tập thơ trên có một số bài thơ đã được các nhạc sĩ tại Gia Lai chọn phổ nhạc như “Chiều Kbang”, “Lời tượng gỗ”... Một nhạc sĩ từng chia sẻ: Thơ Đào An Duyên giàu nhạc tính, đậm chất trữ tình, tự sự. Sau mỗi cuộc gặp gỡ về cảm xúc giữa nhà thơ và người viết nhạc, công chúng lại được thưởng thức một nhạc phẩm gợi nhiều dư ba, lưu luyến.

Đào An Duyên từng nhủ: “Tháng Mười trời mưa muộn/Tự khúc chỉ còn ta/Nở một niềm xanh biếc/Rút lòng mình thật thà”. Công chúng vẫn đang tiếp tục chờ những “rút lòng” như thế từ thơ chị.

Có thể bạn quan tâm