Pháp luật

Tin tức

Bài 2: Sự thật về tà đạo Hà Mòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hà Mòn được biết đến là vùng nông thôn mới phát triển tiêu biểu về mọi mặt. Tuy nhiên từ năm 2000 đến nay, địa danh Hà Mòn lại được nhắc đến gắn với sự xuất hiện một loại tà đạo và được bọn phản động FULRO lợi dụng kích động để chống phá nhà nước ta. Và hành vi của chúng cuối cùng cũng bị chính quyền và nhân dân vạch mặt.

Bịa đặt trắng trợn

Dù không biết chữ, mắt mù nhưng vào cuối năm 1999, tại thôn Kơ Tu, xã Hà Mòn, huyện Đak Hà (tỉnh Kon Tum) một phụ nữ vốn hành nghề thầy mo, thầy cúng là Y Gyin (tên gọi khác là Y Ên, SN 1942, dân tộc Rơ Ngao, hiện trú tại làng Kơ Tu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) tung tin đã nhìn thấy “Đức mẹ hiện hình! và mình được chọn làm “sứ điệp” để phán truyền cho loài người!?”.
Đường làng xã Hà Mòn. Ảnh: Huỳnh Kiên
Đường làng xã Hà Mòn. Ảnh: Huỳnh Kiên
Từ đó, Y Gyin cùng một số đối tượng khác tung ra các luận điệu bịa đặt, phản động như “Trái đất sẽ có ngày tận thế, ai tâm niệm “Đức mẹ” thì linh hồn được cứu rỗi, nếu không sẽ bị đầy xuống địa ngục chịu hình phạt. Người nào đi theo bước chân của “Đức mẹ hiện hình” thì không phải lao động vẫn sung sướng, ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh, vay vốn ngân hàng sẽ được xóa nợ”! Ngoài ra, bọn chúng kích động mọi người “không nghe Linh mục giảng đạo, không nhận các mặt hàng chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước, cấm tham gia các hoạt động ở địa phương”.
Luận điệu bịa đặt trên được một số người chép lại và phát tán bằng tiếng Bahnar. Dựa vào kinh thánh của đạo Công giáo, các đối tượng sao trích, tự biên soạn ra tài liệu xuyên tạc nhằm lôi kéo, kích động giáo dân từ bỏ sinh hoạt đạo Công giáo cùng các phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Bahnar để theo tà đạo của chúng.

Những điều bịa đặt trắng trợn ấy tưởng như ai cũng biết, thế nhưng do niềm tin mù quáng, nhận thức hạn chế nên một số người vội tin theo, không lao động sản xuất, học sinh bỏ học tham gia hành lễ cầu nguyện, dâng hoa liên tục nhiều ngày nhằm trông chờ vào phép thánh, đợi “Đức mẹ hiện hình” để được ban phát những điều ảo tưởng, hão huyền. Ngoài ra, số cầm đầu kêu gọi mọi người phải đóng góp nhiều khoản tiền bất hợp lý để chiếm đoạt, tiêu xài. Hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo tuyên truyền tà đạo của các đối tượng gây chia rẽ đoàn kết dân tộc và giữa các tín đồ tôn giáo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và đời sống người dân.
Kích động tư tưởng ly khai, tự trị
Việc gieo rắc những chuyện hoang tưởng, xuyên tạc trong một bộ phận giáo dân được phát hiện ngăn chặn nhưng như một luồng gió độc, loại tà đạo trên lại tái phát, lây lan đến một số nơi. Ở Gia Lai, năm 2000 đối tượng Dor, ở xã Hà Đông, huyện Đak Đoa thường xuyên lên Kon Tum hành lễ và được đối tượng Rí, trú tại xã Hà Mòn, huyện Đak Hà tuyên truyền về “Đức mẹ hiện hình”. Từ đó, Dor đã dẫn một số người cùng đến Kon Tum cầu nguyện và cùng các đối tượng khác tuyên truyền lôi kéo khoảng hơn 100 người tại các xã Hà Đông (huyện Đak Đoa), Lơ Pang, Hà Ra, Đak Djrăng (huyện Mang Yang), Hà Tây (huyện Chư Pah), An Thành (huyện Đak Pơ) đi theo.
Phát động quần chúng đưa đối tượng tuyên truyền tà đạo, phản động ra kiểm điểm. Ảnh: t.k
Phát động quần chúng đưa đối tượng tuyên truyền tà đạo, phản động ra kiểm điểm. Ảnh: T.K
Đến những năm gần đây, lúc cao điểm các đối tượng lôi kéo được hàng trăm hộ với hàng ngàn người tham gia. Qua khảo sát hầu hết là phụ nữ dân tộc Bahnar có trình độ học vấn thấp bị lừa phỉnh hoặc ràng buộc bởi mối quan hệ gia đình, dòng tộc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng tác động của chế độ mẫu hệ, lợi dụng niềm tin tôn giáo, tin vào Đức mẹ của các tín đồ nên số cầm đầu cốt cán mê hoặc.
Qua đấu tranh với số đối tượng cầm đầu tà đạo và tuyên truyền phát động quần chúng vạch trần thủ đoạn lừa bịp, phản động của chúng, phần lớn những người tin theo đã kịp thức tỉnh, tự nguyện từ bỏ tà đạo quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy. Đến cuối năm 2010, trên địa bàn Gia Lai còn 5 nhóm hoạt động ở 5 làng của 2 xã Hà Ra (huyện Mang Yang) và An Thành (huyện Đak Pơ) với khoảng 300 người. Tuy nhiên, hơn 30 đối tượng cầm đầu cốt cán hiện đang lẩn trốn thường xuyên liên lạc với Bă Hlôl (A Tách) và Bă Kô (A Hyum, cầm đầu tà đạo tại Kon Tum). Đồng thời móc nối nhận sự chỉ đạo trực tiếp của các đối tượng Nếp, Siu Djaih, Jơnh, Di, Puih Alăng (FULRO lưu vong) tìm cách xâm nhập để xây dựng cơ sở ngầm trong các làng, kích động tư tưởng ly khai, chống phá chính quyền.

Để tập hợp lực lượng hoạt động cho FULRO, chúng tuyên truyền “đạo Hà Mòn” mới là tôn giáo riêng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, người Bahnar. “Chờ quốc tế can thiệp sẽ cùng các nơi biểu tình đòi lại đất của “Nhà nước Đê-ga” và “Nếu ai đi theo khi được công nhận sẽ có chức quyền, có nhiều đất đai tài sản”. Có nơi chúng tự nhận nhóm của chúng là “Công giáo Đê-ga”, tương tự như trước đây bọn phản động FULRO đã dựng lên cái gọi là “Tin lành Đê-ga” để tập hợp lực lượng thực hiện mưu đồ chính trị phản động của FULRO lưu vong.
Khống chế, lừa tiền và o ép người dân

Với sự chỉ đạo của FULRO, bọn chúng đã hình thành một số khung ngầm phản động ở Gia Lai và Kon Tum, phân công đối tượng phụ trách ở một số làng, xã. Trong đó, Bă Hlôl trực tiếp chỉ đạo ở địa bàn Kon Tum, đối tượng Runh chịu trách nhiệm khu vực huyện Mang Yang. Ngoài ra, có 17 đối tượng khác phụ trách 7 làng thuộc 3 xã của huyện Mang Yang, Đak Pơ. Quá trình lẩn trốn, chúng chia ra nhiều nhóm nhỏ, thường xuyên thay đổi địa điểm, duy trì liên lạc với cơ sở trong các làng nhận tiếp tế và chỉ đạo hoạt động. Đồng thời thu thập danh sách những người dân tộc thiểu số theo chúng nộp cho Bă Hlôl và Runh cung cấp cho FULRO lưu vong. Tại một số làng thuộc 3 xã của huyện Mang Yang, bọn chúng đã lôi kéo, khống chế một số cán bộ cơ sở và thân nhân tiếp tay và nuôi giấu.

Theo lời khai của số đối tượng cốt cán bị bắt giữ và tố giác của một số quần chúng, hàng tháng mỗi hộ tham gia tổ chức của chúng, chúng bắt phải đóng góp 50 ngàn đồng, một lon gạo nuôi giấu các đối tượng lẩn trốn và làm quỹ hoạt động. Nhằm củng cố niềm tin cho các đối tượng, năm 2007, tại cuộc họp với hơn 20 đối tượng lẩn trốn, lánh mặt, sau khi chủ trì đọc kinh cầu nguyện, Bă Hlôl tuyên truyền “Anh em cố gắng cầu nguyện, mai mốt anh em dân tộc của mình ở Mỹ về giải phóng và thành lập đất nước riêng của người Tây Nguyên, người Bahnar. Lúc đó, chúng ta sẽ có nhiều thứ, có ô tô chạy”. Bă Hlôl cũng chỉ đạo phải lôi kéo thật nhiều người tham gia tổ chức, không nghe theo Linh mục, không nhận cấp phát muối, quần áo, đau ốm không đến trạm xá và không tham gia các hoạt động của chính quyền…
Sau khi về các làng, số đối tượng tiếp tục tổ chức tuyên truyền luận điệu phản động trên dưới hình thức nhóm họp đọc kinh cầu nguyện để tập hợp lực lượng phục vụ âm mưu đen tối của bọn FULRO lưu vong. Ngoài ra, Bă Hlôl thường xuyên nhóm họp với Brô, Blei và một số đối tượng cầm đầu cốt cán của chúng tại 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum ở nhà của  Bạ Thim (làng Kon Kơ Lơng, huyện Kon Rẫy) và nhà Bạ Truân (làng Kơ Tu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Kon Tum).
(Còn nữa)
Thanh Hòa

Có thể bạn quan tâm