Gia Lai: Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo số liệu tổng hợp của Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay, Khoa Bệnh nhiệt đới thu dung, điều trị cho 240 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái (số bệnh nhân SXH 6 tháng đầu năm 2012 là 78 người). Riêng trong tháng 6-2013, số bệnh nhân SXH tăng đột biến với 111 ca, chiếm 46,25% so với tổng số ca được điều trị tại khoa trong 6 tháng đầu năm.
 

Khám bệnh cho bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Thái Bình
Khám bệnh cho bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Thái Bình

Cao điểm có ngày Khoa tiếp nhận 10 bệnh nhân, chủ yếu là người dân ở TP. Pleiku và một số địa phương khác như Chư Prông, Chư Sê và Đức Cơ. “Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi, hiện chưa có thuốc điều trị đặc biệt, vì vậy đối với những bệnh nhân được chẩn đoán SXH Dengue, cùng với chỉ định hạ sốt, truyền dịch, bổ sung vitamin C, khuyến cáo người bệnh tăng cường nghỉ ngơi, uống nhiều nước, chúng tôi luôn theo dõi diễn tiến bệnh một cách sát sao, đề phòng biến chứng. Nếu bệnh nhân có triệu chứng đau vùng bụng, nôn ói có thể dẫn đến choáng, gây nguy hiểm đến tính mạng”-bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn nói.
 

Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chiều ngày 1-7. Theo ghi nhận của P.V, tất cả các giường bệnh của Khoa đã chật kín bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh: chân tay miệng, sốt rét và sốt xuất huyết (SXH), trong đó bệnh nhân SXH chiếm 37 giường, đó là chưa kể đến những trường hợp khác đang làm thủ tục nhập viện.

Vật vã với cơn đau đớn, nhức mỏi toàn thân, chị Cù Thị Kim Dung (tổ 5, phường Trà Bá, TP. Pleiku) giọng ngậm ngùi: “Chắc do tôi thường ngủ không chèn màn kỹ lưỡng, trong nhà lại thường có những dụng cụ chứa nước thừa nên mới bị mắc SXH. Tôi nằm ở viện đã 2 ngày rồi, kết quả siêu âm cho thấy, tôi còn bị phù nề người và gan thì bị sưng nữa. Tôi rất lo”. Đáng ngại hơn là trường hợp của chị Đào Thị Lan (thôn Hợp Thắng, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông), được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau nhiều ngày nằm điều trị mà không bớt ở Trạm Y tế Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, hiện vẫn đang còn chảy máu dưới da và chảy máu chân răng. “Tôi đã được các bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới truyền tất cả 4 đơn vị tiểu cầu, giờ thì được chỉ định nằm theo dõi, xử lý những biến chứng. Tôi đang mong sao mình mau chóng được bình phục”-chị Lan buồn rầu chia sẻ.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân-Phó Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Vắc-xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) cho biết, hàng năm, công tác phòng-chống dịch SXH vẫn luôn được Trung tâm chú trọng thực hiện, tập trung vào việc hướng dẫn người dân làm tốt khâu vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, xử lý các dụng cụ chứa nước diệt lăng quăng; tổ chức diệt muỗi trưởng thành bằng hóa chất diệt muỗi; đồng thời khi đi ngủ phải nằm màn kể cả ban ngày vì muỗi SXH hút máu người chủ yếu vào ban ngày…, khi có dịch thì tổ chức khoanh vùng chống dịch và phun hóa chất. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại các địa bàn có nhiều bệnh nhân mắc  SXH cho thấy, phần lớn các hộ dân ở những nơi này không tự giác và thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng-chống SXH; điển hình là chưa phối hợp tốt với ngành Y tế thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng; đa phần chỉ trông chờ vào việc phun hóa chất. Trong khi đó, phun hóa chất chỉ có tác dụng tốt nhất khi kết hợp với việc đảm bảo vệ sinh môi trường.
 

Trước tình hình diễn biến khó lường của SXH, để phòng bệnh này, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khuyến cáo: Loại muỗi vằn truyền bệnh SXH thường đẻ trứng ở nơi chứa nước sạch, nhất là nước mưa, chúng hoạt động trong nhà, đốt người vào ban ngày và lúc chạng vạng tối. Bởi vậy, chúng ta, đặc biệt là nhân dân vùng có SXH cần ngủ màn; sử dụng hóa chất diệt muỗi nếu có; tích cực diệt lăng quăng tại gia đình; tích cực làm vệ sinh môi trường, loại bỏ các dụng cụ chứa nước thừa như: vỏ lon, lốp xe… để muỗi không còn chỗ đẻ trứng. Ngoài ra, nếu phát hiện mình và người thân trong gia đình có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, dùng thuốc hạ nhiệt nhưng không hạ, đau đầu, đau hố mắt, đau cơ, xuất hiện các chấm xuất huyết… thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm