Blouse trắng về làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người dân vùng sâu, vùng xa khỏe hơn, Tập đoàn Dược phẩm GlaxoSmithKline (gọi tắt là GSK) vừa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức khám-chữa bệnh miễn phí cho gần 1.000 người dân ở xã Sơn Lang (huyện Kbang). Ngoài đội ngũ y-bác sĩ đông đảo, chương trình còn đưa các thiết bị y tế hiện đại về làng để phục vụ công tác khám-chữa bệnh.
 

Ảnh: Hoàng Ngọc
Ảnh: Hoàng Ngọc

Điểm đến khám-chữa bệnh cách TP. Pleiku khá xa, hơn 100 km, do đó đoàn y-bác sĩ thiện nguyện phải xuất phát từ lúc mờ sáng trong trời mưa lớn do ảnh hưởng của bão. Thời tiết không thuận đè nặng lên suy nghĩ mỗi người nỗi lo âu chung: Bệnh nhân ở những làng xa sẽ khó đến được điểm khám bệnh.

Khu vực khám nằm ngay trong Trạm Y tế xã Sơn Lang (huyện Kbang), được bố trí theo từng phòng chuyên biệt: 2 phòng khám bệnh, phòng phát thuốc, phòng siêu âm-điện tim. Ở mỗi phòng đều có tình nguyện viên hướng dẫn. Mưa lớn nên số người đến khám chỉ lác đác, nhưng dần về trưa, người đến mỗi lúc mỗi đông. Nhiều người ở các làng cách xa đến 20 km cũng kịp có mặt để được khám bệnh.

Mí Lieng năm nay đã 82 tuổi, đến từ làng Đak Tngông cách đó 14 km, có mặt khá muộn. Mí nói được con dâu chở xe máy tới, còn mí không biết bị bệnh gì mà đau nhức khắp người, lâu rồi ít đi đâu xa khỏi làng. “Bác sĩ khám bệnh rồi, nói mình bị thoái hóa cột sống nặng và huyết áp cao. Nó cho mình thuốc uống và dặn không được đi làm rẫy nữa, ở nhà nghỉ ngơi thôi”-mí vui vẻ cho biết.

Mí Kheng ở làng Hà Nừng cũng có biểu hiện tương tự là đau nhức xương khớp. Bác sĩ khám nói mí bị thoái hóa đa khớp và dặn phải kiểm tra huyết áp thường xuyên. Mí nói: “Mình không biết thoái hóa đa khớp là bệnh gì nhưng lên rẫy không được nữa, mong các bác sĩ về làng thường xuyên hơn để khám bệnh, nhiều người trong làng cũng đau như mình. Bác sĩ nói uống thuốc này mình sẽ đỡ đau và đi lại dễ dàng hơn”. Đau lưng, thoái hóa cột sống, viêm khớp cũng là bệnh mà đa số những bà mẹ già Bahnar đến khám bệnh mắc phải. Các bác sĩ khẳng định, đây là bệnh do thói quen làm nương rẫy và đi lại nhiều ở vùng rừng núi, trong khi điều kiện và ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế.

Khác với những đợt khám-chữa bệnh thiện nguyện, đợt khám này có khá đông bệnh nhân là nam giới, trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Vợ chồng anh Nguyễn Bá Huân (thôn 1) đưa con gái Nguyễn Thị Phương Anh 4 tuổi đến khám trong tâm trạng lo âu, hồi hộp. Người cha trải lòng: “Cháu ăn nhiều nhưng ngày càng còi cọc, thỉnh thoảng đau bụng và nôn ói rất nhiều. Vợ chồng tôi đã đưa con đi khám ở trạm y tế nhưng không ra bệnh, muốn mang con lên bệnh viện nhưng hoàn cảnh khó khăn quá, đường sá xa xôi nên lần lữa mãi”. Sau khi được bác sĩ khám, siêu âm, bé Phương Anh được chẩn đoán bị viêm ruột. Anh Huân cho biết: “Bác sĩ cho thuốc uống và dặn chúng tôi chú ý đến chế độ ăn uống, vệ sinh cho cháu. Nhờ chương trình chúng tôi mới biết những kiến thức chăm sóc sức khỏe cho con. Thú thực những người làm nông như chúng tôi chỉ lo đủ cái ăn chứ không có điều kiện quan tâm chăm sóc sức khỏe”.

Phối hợp với chương trình lần này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cử đoàn 13 y-bác sĩ thiện nguyện tham gia khám-chữa bệnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ-Phó Trưởng khoa Cấp cứu, nhận xét: “Hàng năm, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các công ty, tập đoàn dược phẩm khám-chữa bệnh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn-nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại. Chương trình này rất có lợi cho người dân nghèo không có điều kiện khám-chữa bệnh ở tuyến trên. Đội ngũ y-bác sĩ có kinh nghiệm kết hợp với máy móc hiện đại sẽ giúp người dân sớm phát hiện các bệnh hiểm nghèo để kịp thời chữa trị. Đây là chương trình thiện nguyện vì cộng đồng nên các bác sĩ trẻ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất nhiệt tình tham gia”.

Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ, qua khám, siêu âm, điện tim, các bệnh mà người dân mắc phải phổ biến là rối loạn tuần hoàn não, viêm khớp (đối với người già), tăng huyết áp, viêm dạ dày (đối với nam giới); viêm họng, viêm xoang, viêm ruột (đối với trẻ em)… Ngoài ra, một số bệnh nặng qua siêu âm, điện tim đã được các bác sĩ tư vấn để bệnh nhân đến bệnh viện để sớm điều trị.    
Công tác ở Trạm Y tế xã Sơn Lang hơn 10 năm, chị Bùi Thị Mai Nga cho hay: “Cách đây 5 năm cũng có một đoàn y-bác sĩ về đây khám-chữa bệnh cho người dân, nhưng đây là lần đầu tiên có các thiết bị y tế như máy siêu âm, điện tim. Trạm Y tế xã Sơn Lang chưa được trang bị những thiết bị này, nên việc đưa máy móc về khám bệnh cho người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa sẽ giúp họ sớm phát hiện bệnh”.

Từ trưa về chiều, người dân ở các làng xa lúc này mới đến được nơi khám-chữa bệnh. Gần 60 y-bác sĩ, tình nguyện viên phải làm việc cật lực, chia ca ăn bữa trưa vội vàng để kịp khám bệnh cho người dân. Một ngày làm việc vất vả kết thúc trong nụ cười hạnh phúc của những người khoác màu áo blouse trắng…

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm