Chung tay phòng-chống bệnh lao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bác sĩ Mai Minh Hiền-Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai, cho biết: Từ tháng 4-2015, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai đã triển khai phác đồ điều trị mới, thay vì thời gian điều trị cho bệnh nhân lao mới kéo dài 8 tháng thì nay đã rút ngắn xuống còn 6 tháng. Việc này đã mở ra nhiều triển vọng trong công tác phòng-chống lao và góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân lao bỏ điều trị trên địa bàn xuống còn dưới 1%.

Tại Gia Lai, trung bình hàng năm phát hiện từ 650 đến 700 bệnh nhân lao mới. Riêng trong năm 2015, tổng số bệnh nhân lao các thể phát hiện là 696 bệnh nhân, giảm 74 bệnh nhân so với năm 2014. Tỷ lệ điều trị khỏi trong năm 2015 là trên 94%. Phần lớn bệnh nhân được quản lý điều trị ngoại trú, bệnh nhân được quản lý tại nhà, thuốc lao được giao cho y tế phường, xã cấp phát và trực tiếp quản lý điều trị cho bệnh nhân.

 

Chăm sóc bệnh nhân lao. Ảnh: N.N
Chăm sóc bệnh nhân lao. Ảnh: N.N

Những năm qua, công tác phòng-chống lao trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm của các cấp, các ngành và đạt được nhiều chuyển biến đáng khích lệ. Đặc biệt, kể từ khi Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai (thôn 2, xã Trà Đa, TP. Pleiku) với quy mô 2 tầng, 70 giường bệnh điều trị nội trú đi vào hoạt động năm 2010 đã góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, thu dung và điều trị chuyên khoa, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh, đưa chương trình chống lao đi vào chiều sâu.
 

Ngày Thế giới phòng-chống lao (24-3) năm 2016, tại Gia Lai tập trung tuyên truyền chủ đề chính “Vì một Việt Nam không còn bệnh lao, cộng đồng chung tay giảm kỳ thị với người bệnh”. Các băng rôn tuyên truyền đã được treo khắp các đường phố trên địa bàn tỉnh cùng với lễ phát động được tổ chức trang trọng tại TP. Pleiku vào sáng 24-3 là điểm nhấn trong công tác phòng-chống lao năm nay.

Tuy nhiên, hoạt động phòng-chống lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Việc phát hiện bệnh nhân lao hiện nay chủ yếu bằng hình thức thụ động (người bệnh tự đến các cơ sở y tế để khám và điều trị) nên phần nhiều trong số đó bệnh đã có dấu hiệu nặng. Bệnh nhân lao không được phát hiện rất dễ lây bệnh cho người xung quanh dẫn đến bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng là rất lớn. Trong khi đó, tỷ lệ phát hiện lao tại tuyến huyện những năm gần đây có xu hướng giảm. Tuyến xã hầu như không gửi người nghi lao lên tuyến huyện để khám phát hiện.

Bác sĩ Mai Minh Hiền cho biết: Khó khăn trong công tác phòng-chống lao hiện nay là tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, đa số các huyện chưa thành lập tổ chống lao hoặc có nhưng chưa tích cực hoạt động do đó làm hạn chế việc bệnh nhân đến khám. Ngoài ra, việc cán bộ phòng-chống lao tại cơ sở còn kiêm nhiệm nhiều việc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám, giám sát và điều trị. Một số địa phương thiếu sự quan tâm trong công tác phòng-chống lao…   

“Phòng-chống bệnh lao rất cần sự cộng đồng trách nhiệm của gia đình, xã hội và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền để hiệu quả ngày càng nâng cao. Thời gian tới, công tác phòng-chống lao tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc tuyên truyền; duy trì mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường vận động để người dân đến khám, phát hiện sớm bệnh lao giảm thời gian và chi phí điều trị. Bệnh lao không phải là bệnh nan y, có thể chữa khỏi. Nếu thấy các triệu chứng như: mệt mỏi triền miên, ăn không ngon miệng, giảm cân vô cớ, ho kéo dài hơn ba tuần, sốt, ra mồ hôi về đêm, ho ra đờm vấy máu.... hãy đến ngay các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị kịp thời”-bác sĩ Mai Minh Hiền khuyến cáo.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm