Thông tuyến khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ tháng 1-2016, tỉnh Gia Lai đã triển khai quy định thông tuyến khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Qua 5 tháng triển khai, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều phản hồi và ý kiến tích cực cũng như sự đồng thuận cao của người dân trong việc triển khai vấn đề này.

Thông tuyến khám-chữa bệnh tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh: N.N
Thông tuyến khám-chữa bệnh tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh: N.N

“Nhà tôi ở gần Trạm Y tế xã nhưng trước đây khi mua thẻ BHYT chúng tôi thường không đăng ký nơi khám-chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế vì ngại lỡ muốn lên bệnh viện tuyến huyện khám, điều trị phải xin giấy chuyển viện từ Trạm Y tế sẽ rất mất thời gian. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, khi có quy định mới về việc thông tuyến khám-chữa bệnh BHYT đã tạo thuận lợi hơn cho gia đình tôi. Chính vì vậy, chúng tôi đã mạnh dạn đăng ký nơi khám-chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế xã gần nhà cho tiện. Khi đau ốm lặt vặt có thể đến Trạm Y tế khám, lấy thuốc còn khi đau nặng thì có thể lên thẳng Trung tâm Y tế huyện để khám và điều trị”-chị Nguyễn Thị Thủy (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) chia sẻ.

Tương tự, chị Vũ Thị Thắm (xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) cho biết: Việc thông tuyến khám-chữa bệnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vấn đề khám-chữa bệnh. Theo đó, người có thẻ BHYT đăng ký khám-chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã được quyền khám-chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh mà vẫn được thanh toán chế độ BHYT đầy đủ. Những bệnh thông thường thì gia đình tôi đến khám-chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế xã chứ không phải mất công đến tuyến huyện đi lại khó khăn và phải chờ đợi lâu như trước.

Việc thông tuyến khám-chữa bệnh BHYT đã và đang đem lại nhiều thuận lợi cho người dân. Theo thống kê của các trung tâm y tế tuyến huyện, từ đầu năm đến nay, tổng bệnh nhân đến khám BHYT tại các trung tâm tăng so với cùng kỳ năm 2015. Điển hình như Trung tâm Y tế huyện Chư Pah tăng 962 lượt bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2015; Trung tâm Y tế huyện Chư Sê tăng 1.108 lượt; Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ tăng 2.527 lượt… Một số bệnh viện đa khoa khu vực không chỉ tiếp nhận và điều trị cho người dân trong huyện mà cả người dân ở xã các huyện giáp ranh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ngày một tăng cao, nhiều Trung tâm Y tế huyện cũng đã đầu tư trang thiết bị máy móc, tăng cường cơ sở vật chất cũng như thái độ tiếp đón, chất lượng phục vụ người bệnh tạo niềm tin cho người bệnh.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề cũng được đặt ra khi triển khai thông tuyến khám-chữa bệnh BHYT. Theo đó, một số cơ sở khám-chữa bệnh chưa đầu tư về cơ sở vật chất, chưa nâng cao chất lượng khám và điều trị. Bên cạnh đó, do chất lượng khám-chữa bệnh tại các cơ sở xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng nhu cầu nên nhiều người bệnh vẫn vượt tuyến.

Ngoài ra, thực tế đã xuất hiện tình trạng lạm dụng khám-chữa bệnh BHYT. Nguyên nhân do tỉnh ta vẫn chưa thực hiện được phần mềm quản lý bệnh nhân có thẻ BHYT thông suốt giữa các cơ sở y tế tuyến huyện với nhau nên không thể quản lý được tình trạng bệnh nhân lợi dụng thông tư này. Theo đó, một người có thẻ BHYT có thể sẽ đến khám-chữa bệnh ở nhiều cơ sở y tế khác nhau trong cùng một ngày để lấy thuốc đem bán. Một số người dân do nhận thức chưa đầy đủ, sau khi khám, lấy thuốc ở cơ sở y tế này chưa uống hết liều đã bỏ thuốc và đến khám, lấy thuốc ở cơ sở y tế khác gây ra tình trạng lãng phí không đáng có.

Về vấn đề trên, ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết: Để triển khai có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tin học hóa trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai đã làm việc với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Viettel Gia Lai và cán bộ chuyên quản thuộc BHXH tỉnh Gia Lai về triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT. Theo báo cáo của Viettel Gia Lai thì đến nay đã lập kế hoạch triển khai việc lắp đặt và kết nối cho 125 đơn vị, 35 đơn vị kết nối bằng mạng 3G và 7 đơn vị thuê lại đường truyền của nhà cung cấp khác. Tổ chức tập huấn phần mềm giám định BHYT và đào tạo quản trị, vận hành hệ thống thông tin dữ liệu giám định BHYT, hỗ trợ cơ sở khám-chữa bệnh kết nối thông tin dữ liệu cho đội ngũ cán bộ làm nghiệp vụ liên quan của cơ quan BHXH và cơ sở khám-chữa bệnh… Với sự vào cuộc kịp thời của các ban ngành trong việc triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT, chương trình tin học hóa trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT trên địa bàn tỉnh sẽ giúp xác định được lịch sử khám-chữa bệnh của người dân cũng như kiểm soát tốt hơn tình trạng lạm dụng quỹ.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm