Phóng sự - Ký sự

Bài 1: Quần đảo Trường Sa là của Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đầu tháng tư này, khi nhận được công văn từ UBND tỉnh nói về việc tổ chức đoàn cán bộ lãnh đạo đi thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, trong số đó có tôi, tôi thật sự háo hức mong cho đến ngày lên đường. Rồi ngày ấy đã đến...
Theo lịch trình đã định sẵn thì đoàn công tác (bao gồm đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Gia Lai, Thừa Thiên-Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng và một số bộ, ngành trung ương và các phóng viên báo chí) do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng làm Trưởng đoàn, xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh kể từ ngày 10-4 và kết thúc vào ngày 21-4-2010, qua chặng đường dài trên biển 1.200 hải lý, đến nhà giàn Ba Kè-DK 1/9, DK 1/20 và các đảo An Bang, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa lớn, Đá Lát và về vùng Bạch Hổ.
Toàn cảnh đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Bích Hà
Cảng đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Bích Hà
Một kế hoạch của chuyến đi được vạch sẵn thật chi tiết; theo đó, Hải quân Vùng 2, Vùng 4, Lữ đoàn 125 và Phòng Hậu cần- Hành chính của Quân chủng Hải quân (phía Nam) là những đơn vị được phân công chuẩn bị về các điều kiện đảm bảo cho chuyến đi thành công.
8 giờ, ngày 10-4, con tàu HQ 957 rời Quân cảng Cát Lái- TP. Hồ Chí Minh. Phía trước là Vũng Tàu, sau lưng con tàu để lại là thành phố mang tên Bác kính yêu, những ngày tháng tư này thành phố như khoác lên mình chiếc áo mới, chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của đất nước- kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2010). Hướng về phía Đông, con tàu rẽ sóng lướt qua bao phố phường, làng xóm... ở đó bát ngát một màu xanh cây trái chen lẫn nó là những biệt thự, nhà xây kiên cố, nói lên sự giàu có sung túc của một vùng đất anh dũng kiên trung trong kháng chiến và cần cù, giỏi giang trong lao động xây dựng cuộc sống trong hòa bình. Và, cũng trong những ngày tháng tư này của 35 năm trước, khắp các chiến trường quanh Sài Gòn, Quân Giải phóng miền Nam tổ chức hàng loạt những trận đánh áp đảo, bao vây kẻ địch làm cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn hoang mang, rệu rã. Được biết, cũng chính từ thời điểm này các nhà lãnh đạo của ta cũng đã lập kế hoạch và giao nhiệm vụ cho các lực lượng chức năng chuẩn bị tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. Những gì về Trường Sa, về một vùng biển đảo quê hương ngày nay, nơi mà không những chỉ có tôi mà là bao người mơ ước có một lần được đặt chân đến đó, cứ như hiện ra theo dòng suy tưởng trong tôi...
Những bữa cơm trưa và chiều ngày đầu tiên của chúng tôi trên tàu được các chiến sĩ hải quân làm thật chu đáo, thật ngon. Các chiến sĩ động viên mọi người ăn được thì cố ăn cho thật no, cho thật nhiều vào, đến khi không thể ăn được vì say sóng, sóng đã “ngấm” vào người rồi thì đành chịu- kinh nghiệm của người đi biển là vậy. Đêm, xa tít tắp ngoài khơi tàu thuyền đánh bắt hải sản và những giàn khoan dầu đèn giăng sáng rực từng vùng, trông như ta đang ở giữa một thành phố trong đất liền, “biển bạc” là đây! Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng dặn dò: “...Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Đúng vậy, ta có trời, có biển, biển của chúng ta là biển vàng, biển bạc, ở đó, ngoài khơi kia là những quần đảo trên biển của chúng ta. Làm theo lời dạy của Bác, đã bao thế hệ những người Việt Nam chúng ta lớp lớp vững tay súng sẵn sàng xả thân vì sự bình yên của biển đảo, vì chủ quyền lãnh hải của đất nước. Giữa một khung cảnh biển trời tự do, tươi đẹp và giàu có đến như thế, chúng tôi, những người dân nước Việt không thể không vui, và đã vui thì... những ché rượu cần của chủ nhà Gia Lai được đem ra, trên boong tàu trong chốc lát đã trở thành điểm hội tụ của hàng chục người và những câu chuyện buồn vui về đất nước, về biển đảo là những điều chủ đạo của cuộc “họp” không người làm chủ tọa này như không muốn dứt.
Đoàn công tác thăm và làm việc tại đảo Phan Vinh. Ảnh: Bích Hà
Đoàn công tác thăm và làm việc tại đảo Phan Vinh. Ảnh: Bích Hà
Quần đảo Trường Sa nằm trong biển Đông, có trên trăm điểm đảo; ngoài là vùng giàu có hải sản, Trường Sa còn là nơi có tiềm năng to lớn về dầu mỏ, khí đốt; đặc biệt nó còn là hành lang thủy cực kỳ quan trọng, là vùng có mật độ hàng hải đông đúc nhất trên thế giới. Người ta đã thống kê được trong thập niên 1980, mỗi ngày có ít nhất 270 lượt tàu đi qua quần đảo Trường Sa, và ngày nay hơn một nửa số tàu chở dầu của thế giới chạy qua vùng biển này hàng năm. Quần đảo này còn là nơi được coi có vị trí, vai trò quan trọng của chiến lược về quốc phòng- an ninh trong khu vực. Quần đảo Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam ta, nhiều tài liệu và chứng cứ khoa học, lịch sử chứng minh, nhất là kể từ thế kỷ XVII quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xác định rõ thuộc về tỉnh Quảng Ngãi.
Đến với quần đảo Trường Sa là đến với một vùng biển đảo của quê hương đất nước của chúng ta. Giữa trời biển mênh mông, con tàu với hành trình của đoàn chúng tôi cứ đều đều chạy về hướng ngược mặt trời lặn, làm tôi nghĩ đến từ hướng đó, ngày mai bình minh sẽ rạng rỡ một vùng biển đảo quê hương. Và vì thế, giấc ngủ đêm đầu tiên trên con tàu cho dù khá hiện đại và tiện nghi mà vẫn cứ chập chờn; lòng lại mong cho trời nhanh sáng, cho ta sớm được gặp những người đồng đội, đồng chí đang ngày đêm đương đầu với bao khó khăn, gian khổ thay chúng ta giữ gìn vùng trời vùng biển của quê hương, Tổ quốc ta, và nữa, thỏa ước mong được đứng trên mảnh đất quê hương nơi xa xôi- vùng biển đảo yêu thương của Tổ quốc!
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm