Phóng sự - Ký sự

Giải cứu thú rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.

Ngày nay, thú rừng mang lại nguồn kinh tế cao nên trở thành sự quan tâm lớn của cánh thợ săn. Vì vậy cuộc chiến thầm lặng của những "biệt đội" bảo vệ thú rừng càng trở nên khốc liệt.

TUYÊN CHIẾN VỚI BẪY THÚ

Chúng tôi đến Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tây Giang kịp lúc anh Hứa Nguyễn Minh Tuấn (25 tuổi, cán bộ Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy) cùng 5 đồng nghiệp đang chuẩn bị tư trang cho chuyến tuần tra trong rừng già với khoảng thời gian dự kiến kéo dài 10 ngày. Hành trang mang theo trong mỗi ba lô là máy bẫy ảnh, gạo, thức ăn, túi ngủ, võng, áo quần, thuốc men... nặng hơn 20 kg.

Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy phá hủy chiếc bẫy do thợ săn tạo nên. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy phá hủy chiếc bẫy do thợ săn tạo nên. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Đôi chân của họ được bảo vệ bằng đôi tất kéo dài lên phía trên gối rồi bó lại để chống vắt. Họ men theo con suối rồi luồn sâu vào rừng bằng lối mòn nhỏ chằng chịt cây cối. Chừng hơn 2 tiếng đồng hồ thì dừng lại ở cái chòi được dựng tạm làm nơi che nắng mưa để nghỉ ngơi. Khu rừng già ở huyện vùng cao Tây Giang được ví như cái "máy lạnh" khổng lồ nhưng cũng không làm dịu bớt được cái nóng rát bỏng thịt da những ngày cuối tháng 4.

Tháng 9.2022, Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy (CPT) được thành lập với 5 thành viên; đến nay đã tăng lên 25 người. Anh Hứa Nguyễn Minh Tuấn là đội trưởng và cũng là thành viên người Kinh duy nhất trong đội CPT. Mỗi tháng, họ tuần tra xuyên rừng khoảng 20 ngày để tìm kiếm giải cứu những con thú bị mắc bẫy, thu gom số bẫy phát hiện, đồng thời báo với lực lượng kiểm lâm nếu thấy lâm tặc xuất hiện trong rừng. Sau gần 2 năm ra đời, "biệt đội" giải cứu thú rừng đã tháo dỡ và phá hủy hơn 8.000 bẫy thú, giải cứu hàng trăm thú rừng mắc bẫy.

Giữa rừng già, chẳng cần la bàn hay bản đồ, những đôi chân vẫn thoăn thoắt đến từng vị trí một cách chính xác, bởi họ đã quá quen thuộc cung đường này trong chừng ấy năm. "Mọi ngóc ngách trong cánh rừng già này anh em đều nắm trong lòng bàn tay. Chính vì vậy, nhiều người dân còn ví chúng tôi như những anh chàng "Google" của rừng", anh Tuấn cười. Anh dùng rựa phát những dây leo bám quanh một gốc cây, rồi thao tác lắp bẫy ảnh. Mỗi bẫy ảnh cách nhau 2 km. Vị trí đặt bẫy là những nơi ít cây mọc để camera có thể ghi lại một khoảng không gian rộng. Đặt bẫy xong, các thành viên tiếp tục tiến sâu vào trong rừng già.

Là người có kinh nghiệm nên anh Bhling Duy (36 tuổi) được phân công đi trước, cầm rựa phát quang những bụi rậm để mở lối nhỏ vừa đủ cho đồng đội chui qua. Riêng anh Tuấn sẽ đi cuối cùng, dùng GPS định vị tọa độ và ghi chép lại lịch trình. Càng vào sâu trong rừng, "cạm bẫy" càng chi chít. Chúng được những tay thợ săn ngụy trang tinh vi dưới lớp lá mục, tán cây, bụi rậm. Các loại bẫy thường gặp ở đây gồm bẫy kẹp, bẫy dây rút, bẫy lưới, bẫy "hàm quỷ"…

Khi mắc bẫy, con thú đều trong tình trạng sợ hãi, kêu rên thảm thiết. Do vậy, quá trình tháo bẫy đều được các thành viên trong đội CPT thực hiện một cách nhẹ nhàng, cẩn thận nhưng cũng hết sức nhanh chóng để chúng không bị tổn thương thêm. Sau khi giải cứu thành công, những con thú bị thương nhẹ sẽ được sơ cứu ngay tại rừng rồi thả về tự nhiên; nặng hơn thì sẽ mang về BQL rừng huyện để điều trị.

ÁM ẢNH

Trong hàng trăm bức ảnh mà đội CPT đặt bẫy ảnh được, có những con thú bị dính bẫy bỏ lại không kịp phát hiện để giải cứu, đã bị chết rục. "Nhìn mỗi con thú được thả về tự nhiên, anh em chúng tôi thấy rất hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có những hình ảnh khiến chúng tôi xót xa, ám ảnh khi chứng kiến thú rừng đã chết; có con do mắc bẫy lâu ngày không kịp phát hiện, chỉ còn lại bộ xương khô", đội trưởng đội CPT buồn bã nói.

Những chiếc bẫy dây rút được “biệt đội” tháo gỡ. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Những chiếc bẫy dây rút được “biệt đội” tháo gỡ. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Một con thú rừng dính bẫy được giải cứu. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Một con thú rừng dính bẫy được giải cứu. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Vì là rừng nguyên sinh nên các thành viên của đội luôn phải đối mặt với những hiểm nguy như bị muỗi, vắt, rắn độc cắn, bọ cạp… Đặc biệt là gặp lũ quét bất chợt vào mùa mưa lại càng nhiều nguy hiểm. "Khổ và nguy hiểm nhất là khi mưa rừng bất ngờ trút xuống, nước trên thượng nguồn tràn về, anh em trong đội phải hô hoán nhau cùng chạy lên vị trí cao ráo hơn. Khi quay lại thì lán trại đã bị lũ cuốn trôi nên lúc đó chỉ biết kiếm rau rừng ăn qua ngày", anh Ating Thuận (29 tuổi, một thành viên trong đội) chia sẻ.

Lợi thế là dân bản địa, các thành viên đều thông thạo địa hình rừng núi. Thế nhưng trên đường tuần tra vẫn xảy ra không ít tai nạn ngoài ý muốn. Năm ngoái, trong lúc đang vào rừng tuần tra, anh Ating Thuận không may trượt ngã xuống suối, chân bị thương nặng. Đồng đội phải thay phiên cõng anh ra khỏi rừng, đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ngoài ra, nhiều thành viên trong đội cũng hay bị rắn độc, bọ cạp cắn nhưng đều xử lý kịp thời nên không ai bị ảnh hưởng đến tính mạng.

BẢO VỆ LOÀI THÚ QÚY HIẾM

Những cán bộ ở Vườn quốc gia (VQG) sông Thanh (H.Nam Giang) ngoài nhiệm vụ giữ rừng, họ còn đảm nhận thêm một trọng trách: giữ gìn an toàn đa dạng hệ sinh thái cho loài thú quý hiếm. Năm 2017, tại VQG sông Thanh, bẫy ảnh ghi nhận được sự tồn tại của mang lớn (một loài thú có nguy cơ tuyệt chủng cực cao). Nạn săn bắt bất hợp pháp cũng đã khiến quần thể loài này bị suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy việc bảo tồn, đảm bảo đa dạng sinh học, môi trường sống cho loài thú quý hiếm luôn khiến những cán bộ nơi đây trăn trở. Họ cũng không tránh khỏi "đau đầu" với bẫy thú.

Sau khi được giải cứu, một con thú rừng được thả về rừng tự nhiên. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Sau khi được giải cứu, một con thú rừng được thả về rừng tự nhiên. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Những chiếc bẫy được cài đặt trong rừng già đã được tháo gỡ. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Những chiếc bẫy được cài đặt trong rừng già đã được tháo gỡ. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Những ngày đầu vào làm việc ở Tổ tuần tra quản lý bảo vệ rừng (VQG sông Thanh), anh Blúp Cam (30 tuổi) bị cả dân làng ghét bỏ. Nhiều lần người dân đặt bẫy và sau đó bị tổ tuần tra phá bỏ, họ tìm đến nhà anh Blúp Cam đổ tội. Lần khác trong làng có người chết, họ nói do anh Blúp Cam và các thành viên tổ tuần tra chặt bẫy, thả thú nên "ma rừng về bắt".

Anh Blúp Cam cho biết tập quán của người địa phương, họ vào rừng đặt bẫy nhưng bị người khác phá bẫy hay giải thoát thú là điều rất kiêng kỵ. Người dân quan niệm việc tháo bẫy là có tội với thần rừng, bởi từ bao đời nay họ sống nhờ thần rừng giúp đỡ. Thú rừng là nguồn thực phẩm cho gia đình và cộng đồng.

"Ngoài nhiệm vụ giữ rừng, giải cứu thú rừng thì chúng tôi còn là những tuyên truyền viên tích cực cho người dân hiểu, để từ đó họ từ bỏ đặt bẫy thú rừng. Một tập quán muốn thay đổi chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng nhờ sự kiên trì giải thích rằng săn bắt động vật quý hiếm là vi phạm pháp luật nên dần dần một số bộ phận người dân cũng đã bỏ được thói quen đó", anh Blúp Cam nói.

Ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc BQL VQG sông Thanh, cho rằng để đảm bảo môi trường sinh sống cho các loài thú trong rừng, việc đầu tiên là phải loại bỏ hoàn toàn bẫy thú và nạn săn bắt động vật quý hiếm. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, phải có sự cố gắng từ cả phía người dân và lực lượng chuyên trách.

"Một cách nào đó phải cân bằng giữa việc bảo vệ rừng, bảo vệ những loài thú quý hiếm, đồng thời có hướng cải thiện cuộc sống cho người dân bản địa. Đó mới là chuyện lâu dài và bền vững", ông Hồng nói.

Đêm ở rừng. Họ ngủ mà như không, phần vì lạnh, phần phải canh chừng những nguy hiểm có thể ập đến bất ngờ. Cứ như thế, đã ròng rã nhiều năm qua, cuộc chiến với bẫy thú rừng vẫn là một câu chuyện trường kỳ…

Có thể bạn quan tâm