Phóng sự - Ký sự

Bài 2: An Bang vững chãi giữa trùng khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi bài báo này được đăng thì đã là những ngày cận kề của sự kiện trọng đại của đất nước-kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4). Những ngày tháng tư lịch sử, có mặt trên vùng biển đảo Trường Sa, dịp may chẳng thể nào có được lần nữa, tôi cố gắng hết mình để có thể ghi lại những gì ít ỏi mà mình được chứng kiến...
Sau một đêm neo đậu trên vùng biển Bãi Ba Kè, trước khi rời con tàu trọng tải hàng ngàn tấn để xuống những “con lật đật” về với các cán bộ, chiến sĩ hải quân trên các nhà giàn; đoàn công tác chúng tôi long trọng tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển này khi đang làm nhiệm vụ.
Lên đảo An Bang. Ảnh: Nguyễn Thịnh
Lên đảo An Bang. Ảnh: Nguyễn Thịnh
Cũng là một chiến sĩ trong thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước (và tôi chắc rằng trong đoàn công tác này cũng còn nhiều người cũng đã một thời như tôi), tôi không ít lần chứng kiến người thân và đồng đội của mình ngã xuống trước làn đạn của kẻ thù, và những lần cơ quan, đơn vị tổ chức lễ truy điệu, tiễn đưa đồng chí mình về với ông bà, tổ tiên. Những lần như vậy nước mắt tôi, nước mắt đồng đội tôi cứ âm thầm trào ra, rồi âm thầm hứa với người đã khuất sẽ cố gắng nhiều hơn, tích cực hơn nữa trong công tác, chiến đấu để trả thù cho đồng đội...
Hôm nay, giữa biển trời mênh mông và yên bình, cũng thế, nước mắt của hàng trăm người trong đoàn công tác cũng âm thầm, lặng lẽ ứa ra khi những nén nhang được cắm lên ban thờ trên boong tàu và những nhành hoa tươi thắm nhẹ nhàng đặt trên mặt nước biển. Các chị trong đoàn Gia Lai: Nay Lan- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trần Thị Thủy- Bí thư Huyện ủy Ia Grai, Lý Kim Thoa- Chánh Thanh tra tỉnh, Trần Ngọc Chi- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và nhiều người nữa mà tôi chứng kiến những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má họ. Phía xa kia, mặt trời vừa chớm nhô trên mặt biển, bầu trời trong veo, những làn gió thật nhẹ chỉ đủ làm cho những con sóng nhỏ xô khe khẽ vào mạn tàu, chao liệng trên đầu là những chú én nhỏ... khung cảnh ấy làm tôi nghĩ đến ở đâu đây linh hồn các anh liệt sĩ đã về để chứng kiến, ghi nhận những lời tri ân, những giọt nước mắt, những nén hương, nhành hoa của chúng tôi và linh thiêng lắm các anh phù hộ cho các thế hệ nối tiếp nhau bảo vệ vững chắc biển trời Tổ quốc của chúng ta!
...Và, sau ngày đầu tiên có mặt trên các nhà giàn, đoàn công tác của chúng tôi đã có cuộc hành trình tiếp tục theo đúng kế hoạch đã định. An Bang-một trong những điểm đến của chúng tôi. Hòn đảo nhỏ này từ lâu tôi đã nghe nhiều về nó, đấy là một cồn san hô, nằm về phía Nam quần đảo Trường Sa; đảo có vành đai đá ngầm bao quanh và một chóp đá cao 2,5 mét. Quanh năm có sóng lớn, hay những ngày có gió hơi hơi mạnh, từ cấp 3, cấp 4 thôi thì tàu xuồng đã khó cập hoặc không cập đảo được. Chiếc xuồng nhỏ đưa chúng tôi từ tàu vào đảo, một buổi sáng trời thật yên và biển thật hiền, thế mà vô cùng vất vả các chiến sĩ mới đưa được cả đoàn lên đảo. Một chiến sĩ trẻ măng lội trong nước ngập đến ngang lưng ghé vai đòi nhất định phải cõng tôi từ thuyền lên bờ, cho dù tôi cố từ chối mà anh bảo nếu chúng tôi có người rơi xuống biển thì các anh có khuyết điểm, điều ấy làm tôi cảm thấy áy náy vô cùng. Các chiến sĩ trẻ còn nói với tôi, có những lần các chú các bác lãnh đạo từ đất liền ra, có cả văn công, nhưng gặp có gió to và sóng lớn một tý là đành neo đậu tàu từ ngoài xa, thậm chí các cô, các chị văn công không còn cách nào khác để phục vụ các chiến sĩ ngoài cách hát qua máy bộ đàm cho chiến sĩ nghe...
Khác hẳn những gì tôi nghĩ, một An Bang tươi đẹp và vững chãi hiện ra trước mắt chúng tôi. Những người lính trẻ trung, mạnh khỏe đã sắp thành hàng ngang trong quân phục màu trắng chờ đón sẵn dưới táng những hàng bàng vuông. Trưởng đoàn công tác Phạm Thế Dũng, lần lượt bắt tay thăm hỏi từng chiến sĩ thật ân cần, gần gũi. Những nụ cười, những giọt nước mắt của các anh các chị trong đoàn lại lăn tròn trên má khi nghe các chiến sĩ bảo là biết đoàn sáng nay sẽ ghé thăm đảo, cả đêm qua có bao chiến sĩ đã không hề chợp mắt, các bạn nói mong lắm những giọng nói tiếng cười, những lời ca tiếng hát của... con gái.
Rau xanh trên nhà giàn DK1. Ảnh: Bích Hà
Rau xanh trên nhà giàn DK1. Ảnh: Bích Hà
Giữa trùng khơi mênh mông, An Bang nổi lên như một điểm tựa, ở đó lớp lớp những chàng trai trẻ mùa lại mùa thay nhau làm nhiệm vụ-một nhiệm vụ vô cùng gian khổ, nhưng cũng vô cùng vẻ vang và thật tự hào- theo bước cha anh canh giữ biển trời của Tổ quốc, cũng là nơi làm điểm tựa cho đồng bào mình khi hành nghề kiếm sống trên biển khơi. Đã không ít lần trong mỗi năm các anh đã nhường những khẩu phần ít ỏi, sẻ chia những lít dầu, viên thuốc để giúp đỡ, cứu chữa cho bà con ngư dân không may gặp nạn... Với một điều kiện sống và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu xa quê hương, xa người thân, xa đất liền với đầy gian khổ, thế mà các anh xây dựng doanh trại, xây dựng đơn vị có thể nói là rất chu toàn. Một tập thể yêu thương, gắn bó, tình đồng đội đồng chí như máu mủ, ruột rà, có niềm vui cùng hưởng, có nỗi buồn cùng sẻ chia.
...Chia tay với chúng tôi trong lưu luyến cùng với những lời hát da diết của các bạn gái Đoàn Nghệ thuật Đam San, các chàng lính trẻ như chẳng muốn chút nào. Trước cảnh ấy lại một lần nữa tôi thấy nữ nhà báo Ngô Hồng Đào và ca sĩ Châu Hằng ngã đầu vào vai những chàng lính trẻ và hai mắt đỏ hoe...
Bích Hà
    
        

Có thể bạn quan tâm