Phóng sự - Ký sự

Theo dấu những người mở đất Ayun Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi gõ cửa từng ngôi nhà người cao tuổi ở thôn Đoàn Kết (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai) để lần mở trang ký ức về những cuộc di dân xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ký ức ngày đầu đói khổ đã nhường chỗ cho niềm hân hoan của cuộc sống hiện tại đủ đầy.
1. Một người bạn mách nước cho tôi nguồn gốc thôn Đoàn Kết như sau: Trước, vùng đó được gọi là Dinh Điền. Tên gọi Dinh Điền xuất hiện khoảng năm 1954 khi chế độ cũ đưa dân từ các tỉnh Trung bộ lên lập ấp sinh sống. Họ là những người Kinh đầu tiên có mặt. Tiếp sau là những hộ dân miền Bắc vào xây dựng kinh tế mới. Ngôi miếu nhỏ có tên Dinh Điền bên gốc bồ đề cổ thụ giữa thôn Đoàn Kết là chứng tích của cuộc di dân ấy.
Từ dữ liệu ít ỏi đó, tôi đi tìm. Những người dân tốt bụng đã giúp tôi khám phá nguồn gốc vùng đất này. Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đoàn Kết Vũ Văn Hùng nghỉ một ngày làm để dẫn tôi đến nhà các cụ cao niên. Nhà đầu tiên là của vợ chồng ông bà Phạm Xuân Đăng-Mai Thị Đàn, những người hiểu rất rõ về lịch sử thôn Đoàn Kết.
 Bà Đào Thị Khuy-một trong những di dân đầu tiên đến đất này.     Ảnh: N.T
Bà Đào Thị Khuy-một trong những di dân đầu tiên đến đất này. Ảnh: N.T
Ông Đăng và bà Đàn đều ở tuổi “xưa nay hiếm”. Trong ngôi nhà xây khang trang, 2 ông bà niềm nở tiếp đón khách phương xa đến thăm. Bên bộ tràng kỷ đặt ở gian phòng nhỏ nơi có một cánh cửa trổ về hướng cánh đồng lúa ngút ngàn phía sau nhà, ông bà bồi hồi kể về những thăng trầm của vùng đất này. “Chúng tôi vào đây khi đã trên 40 tuổi. Khi đó, tôi là bộ đội xuất ngũ. Họ lựa chọn kỹ càng lắm mới cho đi vào đây xây dựng kinh tế mới đấy. 51 hộ dân tại xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) đến nơi này sau 3 ngày đánh vật với tàu xe. Khi mới vào, nơi này là bãi hoang, chi chít dấu vết bom đạn, có cả những chiếc xe tăng địch bị bắn cháy. Thời trước, vùng này có tên là Dinh Điền vì chế độ cũ đã đưa dân từ Bình Trị Thiên và Quảng Nam lên ở. Tuy nhiên khi chúng tôi lên thì chẳng còn hộ nào, họ đã dời đi vì chiến tranh”-ông Đăng nhớ lại.
Gió từ cánh đồng sau nhà thổi đến mang theo mùi hương của lúa lẫn mùi bùn non giúp vơi đi khí nóng của vùng đất dưới chân đèo Chư Sê. Nhấp một chén trà, bà Đàn kể thêm: “Khi mới lên, 51 hộ dựng lều tranh sát nhau ở gần miếu Dinh Điền, cách đây chừng cây số. Hồi đó, chúng tôi sống trong tình trạng đói khát và lo lắng. Lo lắng là vì FULRO lẩn trốn trong rừng ở đèo Chư Sê xuống quấy phá. Các trận đánh giữa ta và FULRO thường xuyên diễn ra, súng nổ chát chúa. Thiếu lương thực, chúng tôi phải lên rừng hái rau, bẻ măng về ăn thay cơm mà khai hoang trồng trọt. Cũng không có nước để uống đâu, đất nhiễm phèn mà, muốn có nước uống phải lên núi chắt từng can nước giọt. Khi ấy, mọi nhà đều trong tình cảnh thiếu đói triền miên”.
Bà Đào Thị Khuy (78 tuổi) đã sinh sống ở thôn Đoàn Kết 35 năm. Gia đình bà là một trong số ít những hộ dân đầu tiên chuyển từ huyện Nam Trực, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định) vào sinh sống ở vùng này. Nhớ thuở đầu vỡ đất khai hoang nơi đây, bà kể: “Chúng tôi vào đây từ năm 1984. Lúc mới vào, chúng tôi ở dưới thôn Tam Điệp 1 (huyện Ayun Pa cũ, nay thuộc xã Ia Ake và thị trấn Phú Thiện). Ít lâu thì chuyển lên đây ở để đón người dân đi xây dựng kinh tế mới từ miền Bắc vào vì khi đó ông nhà tôi là lãnh đạo của Đoàn kinh tế do Nhà nước quản lý. Sau đó, Đoàn kinh tế chuyển thành Hợp tác xã Đoàn Kết. Đoàn Kết cũng trở thành tên gọi của thôn từ đó đến nay. Ngày mới vào sống ở đây, chúng tôi khốn khó tứ bề. Sốt rét hoành hành khiến nhiều người chết. Gạo cơm không có ăn. Nhiều hộ dân không chịu được cảnh đó đã chuyển đi nơi ở khác hoặc về quê cũ. Những năm sau đó, đời sống của dân trong thôn dần khấm khá hơn nhờ công trình thủy lợi Ayun Hạ tích nước rồi xả về tưới cho cánh đồng lúa và các loại cây trồng khác. Người đi kẻ đến biến nơi này thành khu dân cư đông đúc”.
2. Tôi tiếp tục theo chân anh Hùng dạo quanh thôn Đoàn Kết để cảm nhận sự đổi thay của một vùng đất. Thôn quê mà ngỡ phố với nhà cửa san sát nhau và được chia thành nhiều khu vực. Đếm không hết những ngôi nhà xây to đẹp, điển hình là ngôi nhà của ông bà Đăng-Đàn. Đường giao thông liên thôn được đổ bê tông phẳng phiu và có điện chiếu sáng về đêm; nước sạch dẫn về đến từng nhà… Quốc lộ 25 chia thôn ra 2 nửa tấp nập những chuyến xe qua. Theo thống kê, thôn Đoàn Kết hiện có 325 hộ dân, trong đó có 11 hộ nghèo do bệnh tật và tuổi già neo đơn. Dân trong thôn đang vận động nhau giúp đỡ để 11 hộ này thoát nghèo.
 Những ngôi nhà xây khang trang ở thôn Đoàn Kết. Ảnh: H.S
Những ngôi nhà xây khang trang ở thôn Đoàn Kết. Ảnh: H.S
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, những người đến xây dựng kinh tế mới từ thập niên 80 của thế kỷ trước đều đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm”. Con, cháu của họ tiếp tục chung sức xây dựng quê hương thứ 2 với niềm tin đời sống sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Anh Phạm Văn Huế-Bí thư chi bộ thôn Đoàn Kết là con trai thứ của bà Khuy. Kinh tế gia đình anh Huế thuộc diện khá giả của thôn. Một ngôi nhà xây trị giá hơn nửa tỷ đồng được gia đình anh xây cách đây vài năm. “Nhà tôi trồng 600 cây điều với ít sào lúa nước và rẫy mì. Mấy năm nay, giá các loại cây trồng ổn định nên cho nguồn thu kha khá. Nhờ vậy, chúng tôi có tiền nuôi con cái ăn học và phục vụ sinh hoạt hàng ngày”-anh Huế chia sẻ.
Ngôi nhà của anh Hùng đối diện nhà anh Huế, kinh phí xây dựng hơn 600 triệu đồng. Gia đình anh Hùng có cả xe máy lẫn ô tô. Cô con gái lớn của anh đang là sinh viên đại học ở TP. Hồ Chí Minh, 2 cháu sau đang học phổ thông. Bữa cơm chiều ở nhà anh Hùng có sự tham dự của ông Trịnh Thuyết-Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ. Ông Thuyết phấn khởi chia sẻ về dự án điện gió sắp triển khai ở thôn Đoàn Kết. Khi nghe tôi đề nghị nhận xét về tình hình kinh tế-xã hội ở thôn, Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ nói: “Dân nơi đây không giàu bằng nhiều nơi khác nhưng cũng không đến nỗi đói, bởi lúa có sẵn trong nhà, rau ngoài vườn, tôm cá cũng nhiều trong ao hồ, sông suối xung quanh. Tình hình an ninh trật tự rất tốt. Người dân nơi đây đoàn kết và luôn chấp hành theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Mồ hôi, nước mắt của các bậc tiền bối đã đổ xuống để biến đất hoang thành đồng lúa mênh mông, nương rẫy tươi tốt. Dấu tích của thuở đầu khai khẩn đất hoang lập thôn phần lớn đã không còn, chỉ còn là một nền móng cũ và một cây cột trụ bằng gạch sót lại ở miếu Dinh Điền nhưng nhuốm bụi thời gian. Ngôi miếu đang là nơi sinh hoạt tâm linh của dân trong vùng. Họ đến để tưởng nhớ về ngày đầu vỡ đất khốn khó và cầu mong một cuộc sống đủ đầy hơn cho ngày sau.
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm