Chính trị

Tin tức

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng:Lấy văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 18-5, tại Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Tuấn Anh-Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa-Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Thành-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Anh Huy
Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Anh Huy


Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy và gần 300 đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh); lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; trưởng, phó các ban HĐND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội; trưởng (hoặc phó phụ trách) các hội đặc thù cấp tỉnh; Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh; lãnh đạo Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; lãnh đạo các đơn vị: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; các đồng chí báo cáo viên Tỉnh ủy (khóa XVI) hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; trưởng, phó các phòng chuyên môn thuộc các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; trưởng, phó các khoa, phòng thuộc Trường Chính trị tỉnh.

Hội nghị được kết nối đến 231 điểm cầu cấp huyện, xã với gần 4.900 đại biểu gồm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện (đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện); trưởng, phó các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện; báo cáo viên cấp huyện và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp huyện; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ, công chức phụ trách một số lĩnh vực có liên quan.

Tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã trình bày những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết gồm có 4 phần: Tình hình và nguyên nhân; quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn; các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; tổ chức thực hiện.

  Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Anh Huy
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Anh Huy


Mục tiêu tổng quát của nghị quyết là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng mới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được gìn giữ và phát huy.

Nghị quyết cũng đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể và tầm nhìn đến năm 2045: Tỉ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng-chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế... Đồng thời nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe 12 tham luận do đại diện một số Bộ và tỉnh, thành phố trình bày với nhiều đề xuất, kiến nghị và giải pháp nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả nghị quyết.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao sự chuẩn bị và những ý kiến phát biểu đầy tâm huyết, trách nhiệm của đại diện các đơn vị, địa phương. Thường trực Ban Bí thư cũng gợi mở một số nội dung để các đơn vị, địa phương nghiên cứu trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết. Cụ thể các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung nghị quyết để thấy rằng quá trình đô thị hóa là tất yếu, khách quan và là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Trên cơ sở đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Đồng thời sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung nhằm cụ thể hóa các tiêu chí, các chỉ tiêu nêu trong nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ có kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đổi mới tư duy lý luận, phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, hiện đại; lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Cùng với đó, cần tập trung vào nhiệm vụ quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và hiệu quả.

Để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương; phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ đô thị và các nguồn lực xã hội cho phát triển đô thị; triển khai thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong nghị quyết.

Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần sớm ban hành chương trình hành động triển khai nghị quyết. Chương trình hành động phải đảm bảo sát nội dung, phù hợp với từng địa phương, từng vùng. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược quy hoạch về phát triển đô thị quốc qua, chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các chiến lược, đề án, chương trình trọng điểm khác liên quan đến phát triển đô thị. Xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt các quy hoạch phù hợp với tinh thần nghị quyết, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong nghị quyết; khẩn trương chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền có liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị.

Thường trực Ban Bí thư tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của người dân, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

 

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm