Chương trình 135 giai đoạn II: Hiệu quả và thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chương trình 135 giai đoạn II (từ 2006-2010) là chương trình nối tiếp của giai đoạn I. Trong hơn 3 năm qua, trung bình mỗi năm 68 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh được đầu tư 79 tỉ đồng và 245 làng ĐBKK thuộc xã vùng II được đầu tư 48 tỉ đồng.

Xây dựng nhà ở cho giáo viên theo Chương trình 135. Ảnh: Đức Thụy
Xây dựng nhà ở cho giáo viên theo Chương trình 135. Ảnh: Đức Thụy
Chương trình 135 giai đoạn II đã làm cho vùng sâu ngày càng khởi sắc, tác động lớn đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Từ năm 2006 đến nay, Chương trình 135 đã xây mới được 127 phòng học kiên cố phục vụ cho hơn 5.000 học sinh vùng sâu, vùng xa có trường, lớp học kiên cố, trang- thiết bị phục vụ dạy và học đồng bộ…, thu hút trên 90% số học sinh trong độ tuổi đến trường. Về giao thông nông thôn đã xây dựng được 152,8 km đường bê tông, 12 cầu tràn, 301 cống. 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có đường giao thông thuận lợi đi đến trung tâm xã. Giao thông đi lại thuận tiện giúp cho việc lưu thông trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế trong vùng ngày càng nâng lên. Riêng dự án phát triển sản xuất chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có tác động rất lớn đến đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, các hộ ở các xã ĐBKK không còn đói giáp hạt, kinh tế vườn hộ phát triển, phong trào trồng cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, hồ tiêu, cao su… phát triển khá mạnh. Trong chăn nuôi nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển dần tập quán từ thả rông sang chăn nuôi quy mô chuồng trại; một số hộ còn làm dịch vụ kỹ thuật lai tạo giống cho đàn gia súc ở địa phương, góp phần chuyển biến dần ngành chăn nuôi từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa mang lại thu nhập cao cho gia đình. Hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ cũng được đầu tư phục vụ thuận lợi cho việc tưới tiêu đồng ruộng góp phần nâng cao năng suất cây trồng.

Qua thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II cho thấy đây là chủ trương đúng đắn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Nguồn vốn chương trình này đã tạo đà cho vùng ĐBKK có điều kiện vươn lên, giúp các hộ nghèo có động lực để thoát nghèo. Không những góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn mà Chương trình 135 còn góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhận thức của cán bộ và nhân dân ở các xã ĐBKK, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương nhất là các xã biên giới được ổn định hơn, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lạm phát, nên việc triển khai thực hiện các dự án gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ: Các địa phương phải rà soát lại, xem xã nào đủ năng lực thì để làm chủ dự án giao lại cho Ban Quản lý, nếu không thì các huyện thực hiện; cấp xã, thôn giám sát, huyện chỉ đạo, có như vậy Chương trình 135 giai đoạn II mới mang lại hiệu quả cao.
Theo thời giá hiện nay, vài trăm triệu đồng đến 1 tỉ đồng thì không thể làm được 1 km đường bê tông. Trong khi đó ở hầu hết các xã ĐBKK đường giao thông nông thôn đại đa số còn là đường đất, muốn đầu tư đường giao thông làng nào thì phải kết hợp các nguồn vốn khác mới thực hiện được, nhưng việc một vài địa phương kết hợp các nguồn vốn khác để thực hiện cùng nguồn vốn Chương trình 135 lại không đúng với chủ trương.

Mặt khác, trình độ, năng lực và kinh nghiệm quản lý dự án của một số cán bộ cấp huyện, xã còn hạn chế nên khi thực hiện còn lúng túng, phần nào làm ảnh hưởng đến quá trình thi công giám sát, quản lý chất lượng công trình, giải ngân vốn và quyết toán vốn đầu tư. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh có 32/68 xã ĐBKK trực tiếp làm chủ đầu tư Chương tình 135.
Vấn đề đáng quan tâm nữa là trình độ dân trí thấp nên khả năng tiếp thu về thông tin, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con vùng khó khăn còn hạn chế. Để Chương trình 135 giai đoạn II đạt kết quả cao, ông Nguyễn Khoa Lai- Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về mục đích, ý nghĩa của Chương trình 135, khơi dậy tinh thần ý thức khắc phục khó khăn giúp các hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai dân chủ về công tác đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn các xã, thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, thanh tra trong quá trình thực hiện chương trình.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm