Nhận diện các cơ sở bánh Trung thu kém chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vì hoàn cảnh gia đình nên… không đăng ký
Tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Thành Lợi, số 12 Trần Quốc Toản, phường Yên Đổ (TP. Pleiku, Gia Lai) hàng trăm chiếc bánh đang chuẩn bị vào lò, vô số nhân bánh các loại trong đó có cả thịt heo mà cơ quan chuyên môn đã có khuyến cáo không được sử dụng, đang được nung nấu cho những mẻ bánh mới.
Kiểm tra nơi sản xuất và đề nghị trình các giấy tờ liên quan thì chủ cơ sở này là ông Huỳnh Tấn Hiển ấp úng, biện đủ lý do phân bua cho hành vi sai phạm của mình. Ông nói: Tôi tính không làm rồi nhưng vì khó khăn, con còn nhỏ nên đã đầu tư hơn chục triệu đồng để mua nguyên liệu, bao bì… sản xuất. Còn việc đăng ký công bố cơ sở đủ điều kiện sản xuất thì … “khó” cho tôi quá, bao nhiêu tiền còn lại đều “đổ” vào bánh cả rồi, bánh làm xong bán không được vì dịch heo tai xanh bùng phát…
Ảnh: N.G
Ảnh: N.G
Sau khi nhắc nhở các lỗi vi phạm, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản đề nghị chủ cơ sở tạm dừng các hoạt động sản xuất đến khi bổ sung đầy đủ các thủ tục về an toàn vệ sinh thực phẩm. Được biết, chủ cơ sở này qua nhiều lần kiểm tra đều mắc sai phạm, riêng với lần này ngoài việc không chấp hành nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm thì còn tự ý sử dụng đăng ký cơ sở đủ điều kiện đã hết hạn trên nhãn bánh của mình.

Tự ý gắn mác chất lượng
Đó là lời giải thích của gần 20 tiểu thương đang kinh doanh bánh kẹo tại Trung tâm Thương mại Pleiku khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phối hợp cùng Ban Quản lý Trung tâm Thương mại kiểm tra, phát hiện hàng trăm chiếc bánh Trung thu với nhiều kiểu dáng của các cơ sở sản xuất khác nhau mà không chứng minh sản phẩm có được cấp phép sản xuất hay không. Đặc biệt, tại đây đoàn còn phát hiện sai phạm nghiêm trọng của 2 cơ sở sản xuất là: Triệu Phát với hành vi tự ý đăng ký chất lượng cho sản phẩm của mình bằng cách in trên nhãn bánh: ĐKCL: -YTGL 2002/BMTP. Mã công bố này được cơ quan chuyên môn của Sở Y tế xác nhận không phải là cách mà Sở Y tế Gia Lai hướng dẫn in trên bao bì mà là hành vi giả mạo để bán được hàng. Không chỉ vậy, Triệu Phát có số ngày sử dụng cao nhất trong các mẫu bánh Trung thu đang được bày bán trên thị trường với hạn sử dụng là 45 ngày kể từ ngày sản xuất.
Bánh thành phẩm của các cơ sở không đăng ký đủ điều kiện sản xuất. Ảnh: N.G
Bánh thành phẩm của các cơ sở không đăng ký đủ điều kiện sản xuất. Ảnh: N.G
Còn bánh dẻo, đậu xanh của hiệu bánh Trình Tiến bày bán khắp các sạp hàng tại Trung tâm Thương mại Pleiku thì càng khó khăn hơn cho công tác kiểm tra. Bởi, ngoài các thông tin về cơ sở thì không có bất kỳ thông tin gì bắt buộc nào khác mà bất kỳ một loại hàng hóa nào cũng phải có. Chủ hiệu bánh phân bua: Nhà khó khăn nên hai vợ chồng vừa mới làm thử để bán, hàng làm ra không nhiều vì chỉ làm được ban đêm. Bánh toàn là bỏ hàng chợ với giá chỉ hai, ba ngàn đồng/cái… Hiệu bánh Trình Tiến có địa chỉ tại đường Đồng Tiến, phường Ia Kring, TP. Pleiku, Gia Lai.

Nói về các cơ sở sản xuất chui nhưng bán thật này, ông Đoàn Mạnh Thắng- Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Gia Lai cho rằng: Rất khó để kiểm soát vì cơ sở ngoài việc không đăng ký công bố chất lượng sản phẩm thì thông tin trên bao bì lại quá mơ hồ nên không thể xác định chính xác đâu là nơi sản xuất. Việc công bố cơ sở đủ điều kiện trong sản xuất là ý thức của người muốn kinh doanh lâu dài. Còn với người dân cần thận trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn cho gia đình và cho các cháu trong những ngày Tết Trung thu đang đến gần. Đặc biệt các huyện vùng sâu là môi trường lý tưởng cho các loại bánh không rõ nguồn gốc, kém chất lượng tiêu thụ một cách dễ dàng.
Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm