Thị trường lao động: Thừa thầy, thiếu thợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thống kê của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, mỗi năm tỉnh Gia Lai có hơn 20.000 người bước vào độ tuổi lao động. Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều doanh nghiệp khó tuyển lao động, còn lao động thì vẫn thất nghiệp.
Nhu cầu lao động lớn
Ông Lê Hạnh- Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh Gia Lai cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã có trên 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đăng ký cần tuyển gần 8.000 lao động, tập trung vào các ngành nghề: Kế toán tổng hợp, quản lý bán hàng, lao động phổ thông… nhưng cũng chỉ tuyển được rất ít.
Tại Khu Công nghiệp Trà Đa- TP. Pleiku, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp lúc nào cũng có. Nhiều doanh nghiệp đăng ký với Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh rao tuyển hàng trăm lao động phổ thông, như Công ty TNHH Sản xuất Thương mại AQ, Doanh nghiệp tư nhân Thiên Phúc, Công ty Vật tư Tổng hợp Hưng Nguyên… với công việc như cơ khí, may công nghiệp, bán hàng cà phê. Thậm chí có cả doanh nghiệp chuyên sản xuất về điện tử ở Malaysia cũng trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh để tìm kiếm nguồn lao động. Các công ty xuất khẩu lao động cũng nỗ lực về tận làng, xã, huyện trên địa bàn tỉnh để tìm nguồn lao động.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thì lớn, song để tuyển đủ số lượng thì vô cùng khó khăn, chỉ đạt 15-20%. Nhiều doanh nghiệp khi đăng ký với Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh đã ghi rõ mức lương, chế độ, quyền lợi nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Lương thấp, lao động “nhảy việc”
Theo thông tin từ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh thì lao động qua đào tạo mong muốn mức lương khởi điểm 3 triệu đồng/tháng, còn lao động phổ thông cũng mong muốn mức lương từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, mức lương của người lao động đang làm cho các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa rất thấp. Lao động có tay nghề bình quân thu nhập từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng, còn lương lao động phổ thông chỉ từ 1,4 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng/tháng. Với mức lương đó, người lao động không đủ trang trải cuộc sống nên họ chọn giải pháp “nhảy việc” mong tìm được công việc có thu nhập khá hơn.
Nguồn lao động ở tỉnh ta thực tế không thiếu, nhưng do việc “thừa thầy, thiếu thợ” và mất cân đối trong việc sử dụng nguồn nhân lực trong các ngành nghề, từng khu vực chưa hiệu quả. Mặt khác, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề chưa đủ mạnh, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Do đó, nhiều lao động có tâm lý kén chọn công việc và thu nhập, một bộ phận lao động thất nghiệp nhưng vẫn chưa muốn đi làm. Hay những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng phải chấp nhận đi làm việc thấp hơn trình độ đào tạo hoặc gặp khó khăn khi tìm việc làm theo đúng nghề. Thử so sánh một người bán ở chợ hay bán hàng rong, vé số một ngày kiếm được 150.000-200.000 đồng, trong khi lao động có tay nghề thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, thậm chí lao động phổ thông còn thấp hơn nữa, cho nên doanh nghiệp lúc nào cũng thiếu lao động là điều bình thường.
Đâu là nguyên nhân?
Ngoài nguyên nhân chế độ tiền lương của doanh nghiệp trả cho người lao động quá thấp, còn thêm những chế độ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động nhiều doanh nghiệp bỏ lơ, không quan tâm. Khi nhu cầu công việc lớn, các doanh nghiệp thường giải quyết tình trạng thiếu lao động bằng cách làm tăng ca, nhưng chế độ bồi dưỡng giữa ca, tiền tăng ca trả quá thấp, cộng với những khó khăn về nhà ở cho công nhân, nhà trẻ cho con em công nhân… do đó việc tuyển lao động lại càng thêm khó.
Trăn trở về vấn đề thiếu lao động, ông Trương Quốc Cường- Giám đốc Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai, Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) cho biết: Công ty chúng tôi chuyên sản xuất đá granite nên lúc nào cũng cần tuyển lao động nam. Công nhân vào Công ty làm việc, được Công ty đào tạo bài bản song do người lao động chưa quen tác phong công nghiệp, ý thức và kỷ luật lao động chưa cao. Sau khi đào tạo xong, làm việc được vài tháng lại nghỉ việc, nên để bù đắp cho việc thiếu nhân lực, chúng tôi đầu tư thêm nhiều loại máy móc hiện đại nhằm giảm lượng nhân công và tăng năng suất lao động.
Ông Đinh Xuân Lịch- Trưởng phòng Lao động Việc làm Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, cho rằng: Các doanh nghiệp khó tuyển lao động có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là chế độ tiền lương. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ, xây dựng tại nhiều địa phương cũng đang phát triển khá mạnh. Do đó, để giải bài toán thiếu lao động hiệu quả nhất, tự thân các doanh nghiệp phải tìm cách cải thiện đời sống cho người lao động. Ngoài chi trả lương phù hợp, doanh nghiệp phải có chế độ đãi ngộ tốt hơn nữa… Còn người lao động phải tự ý thức nâng cao tay nghề để dễ dàng tìm việc làm cho thu nhập cao. Với nghịch lý doanh nghiệp cần lao động nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở tỉnh ta vẫn nhiều nên cần phải có giải pháp đồng bộ để hóa giải vấn đề này.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm