Công trình thủy điện An Khê- Ka Nak: Chậm hỗ trợ sau đền bù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công trình thủy điện An Khê- Ka Nak khởi công gần bốn năm (11-2006), thế nhưng một số chính sách hỗ trợ cho hơn 70% hộ dân nằm trong diện thu hồi đất của thôn Cửu Định, phường An Phước, thị xã An Khê (Gia Lai) vẫn chưa được thực hiện. Chính quyền địa phương cho biết đang gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ, còn người dân thì nóng lòng chờ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cân đối  nguồn vốn hỗ trợ…
Công trình thủy điện An Khê- Ka Nak do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất lắp máy 173 MW. Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2009, song đến nay công trình vẫn còn ngổn ngang. Ngoài chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra do công tác thi công nổ mìn hạng mục kênh dẫn nước gặp nhiều khó khăn trong giải quyết mặt bằng thì những bất cập trong công tác đền bù và hỗ trợ sau đền bù cũng làm cho cuộc sống người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.
Khu tái định cư thủy điện An Khê- Ka Nak. Ảnh: Đ.T
Khu tái định cư thủy điện An Khê- Ka Nak. Ảnh: Đ.T
Theo phản ánh của hơn 30 hộ dân thôn Cửu Định, phường An Phước, thị xã An Khê thì đa số đều đồng tình với Quyết định 56/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất “…Tại thời điểm có quyết định thu hồi đất mà giá đất chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì được phép xây dựng lại giá đất sát với giá thị trường cho dự án đó. Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Hội đồng bồi thường phối hợp với chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các ngành có liên quan khảo sát thực tế xây dựng lại giá đất bồi thường trình UBND tỉnh phê duyệt”.
Ông Võ Văn Vân (tổ 2, phường An Phước, thị xã An Khê) cho biết: Đấy là quyết định còn thực tế là một khoảng cách khá xa. Sau khi có chủ trương xây dựng công trình thủy điện An Khê- Ka Nak, UBND thị xã An Khê đã thành lập Hội đồng Đền bù, Giải phóng mặt bằng đồng thời phối hợp với Ban Quản lý dự án thủy điện 7 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), các ngành liên quan và UBND các xã, huyện, tổ chức khảo sát thống kê diện tích đất và tài sản trên đất của các hộ dân nằm trong diện thu hồi để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trình UBND tỉnh phê duyệt. Nhưng mức bồi thường áp giá theo quy định 3.900.000 đồng/sào (áp dụng cho toàn xã) là quá thấp và bất hợp lý, thiệt thòi cho dân. Gia đình ông Vân nằm trong diện thu hồi là 1 ha, nhận tiền đền bù nhưng không biết sẽ làm gì khi người dân quanh năm sống với ruộng đồng mà không có đất sản xuất phải đi làm thuê khắp nơi, tiền đền bù không thể chuyển đổi được ngành nghề.
Ông Đặng Nhơn- Trưởng ban Mặt trận tổ dân phố 2 cho rằng: Có rất nhiều hạng đất nhưng nhà nước đền bù theo kiểu áp một giá đối với các loại đất là không công bằng. Trước khi Nhà nước thu hồi phải xác minh tài sản, hoa màu của dân rõ ràng, công khai để dân không phải chạy đi chạy lại nhiều cơ quan mới được giải đáp.
Còn ông Võ Kính (82 tuổi, cùng thôn) thì phàn nàn: Khoảng tháng 4- 2006, UBND xã Cửu An có mời dân đến họp, yêu cầu bà con nên giao đất tạo điều kiện cho công trình thi công rồi Nhà nước đền bù và sẽ tiếp tục hỗ trợ những hộ mất đất sản xuất đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên đi học nghề nhưng đến nay vẫn im hơi lặng tiếng. Ông Hoàng Văn Khanh (cùng thôn) cho rằng: Đây là một công trình có lợi cho dân nên tất cả đều đồng tình, người dân chúng tôi thấy mức hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất khi thu hồi đất của dân theo Quyết định 56: Thu hồi 10-30% tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng hỗ trợ 3 tháng (gạo), 30-70% hỗ trợ 6 tháng (nếu không phải di chuyển chỗ ở) và 12 tháng (nếu phải di chuyển chỗ ở); thu hồi trên 70% thì được hỗ trợ 12 tháng (nếu không phải di chuyển chỗ ở) và 24 tháng (nếu phải di chuyển chỗ ở).
Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo/tháng là hợp lý nhưng đó chỉ là lời hứa, đến nay vẫn chưa nhận được tiền. Các trường hợp trong độ tuổi lao động không có việc làm, phải đi vay tiền để lo cho cuộc sống và sẽ trả ở vụ sau nhưng không có đất sản xuất thì lấy gì trả.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Tâm- Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: Chúng tôi xem xét mức đền bù theo đúng quy định của Nhà nước nên đến thời điểm này không còn trường hợp nào khiếu nại về giá cả đền bù. Mới đây, UBND thị xã An Khê cũng đã có Thông báo số 45/TB-UBND về việc hoàn chỉnh hồ sơ, tiến hành hỗ trợ đến hết ngày 30-11-2010 cơ bản thực hiện xong để người dân có vốn chuyển đổi ngành nghề, ổn định sản xuất.
Lệ Hằng

Có thể bạn quan tâm