Thủy điện An Khê- Ka Nak: Quyền lợi người dân chưa thỏa mãn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng trăm lượt người dân ở thị xã An Khê, huyện Kbang (Gia Lai)- những nơi chịu ảnh hưởng khi dự án Nhà máy Thủy điện An Khê- Ka Nak triển khai- kéo đến các cơ quan công quyền của huyện, thị xã và lên tỉnh đòi quyền lợi. Nhưng công trình này đã tiến hành chặn dòng tích nước.
Ông Huỳnh Thành- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nói: “Cứ đến ngày tiếp dân là có không ít người dân vùng này lên trình bày những bức xúc. Dự án về, dân đã ủng hộ rất nhiều. Vì thế EVN cũng cần giúp dân để họ có cuộc sống ổn định lâu dài”.
Nguy cơ thiếu đói đối với nhiều hộ dân tái định cư đang là nhãn tiền. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh đã gấp rút chỉ đạo các cấp chính quyền huyện Kbang phải cấp gạo cứu đói cho dân, không được để dân thiếu đói. Bởi thực tế, công trình này đã khiến tình hình kinh tế- xã hội của huyện Kbang bị biến động, do đất sản xuất nông nghiệp, đất ở, ao, vườn bị mất chiếm hơn 2.500 ha. Thực trạng này kéo theo 1.100 hộ bị mất đất. 
Người dân khu tái định cư làng Chợt, xã Lơ Ku (huyện Kbang) ở trong những căn nhà tái định cư còn mới nhưng đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Ảnh: T.H
Người dân khu tái định cư làng Chợt, xã Lơ Ku (huyện Kbang) ở trong những căn nhà tái định cư còn mới nhưng đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Ảnh: T.H
Khởi công từ năm 2005, nhưng công tác bồi thường, tái định canh cho dân đến thời điểm này vẫn chưa thực sự hoàn thành. Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang ông Tô Văn Phán cho biết: “Quá trình lập dự án cho đến khi đền bù, hỗ trợ tốn nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Cơ chế bồi thường, hỗ trợ thay đổi hàng năm gây cho nhân dân thắc mắc, khiếu nại. Ban 7 cũng chậm giải quyết các loại đất ốc đảo, bán ngập, đất sản xuất nông nghiệp, không có đường đi khi hồ tích nước. Đặc biệt, khu tái định canh làng Kroi- thị trấn Kbang chỉ mới thực hiện ở công đoạn quy hoạch, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong năm nay”.
Nhiều vấn đề đến nay vẫn chưa ngã ngũ khiến hàng trăm lượt dân ở trong vùng dự án vẫn ùn ùn đến các cơ quan công quyền. Song, nỗ lực của EVN về vấn đề nóng này vẫn đang cầm chừng khi họ chưa tiếp tục rút hầu bao để giải quyết nhiều vấn đề còn khiếm khuyết.
Đã qua 5 năm tính từ ngày khởi công, Ban 7- đơn vị được EVN ủy quyền quản lý dự án này-đã bồi thường cho 1.100 hộ với tổng số tiền đã phê duyệt bồi thường trên 202 tỷ đồng. Một thực tế khác là công trình được khảo sát lập dự án tiền khả thi từ năm 2002, khởi công năm 2005 nhưng đến năm 2007 mới tiến hành công tác chi trả bồi thường. Nhiều trường hợp bị ảnh hưởng đến nay vẫn chưa được bồi thường và hỗ trợ sau bồi thường. Trong công văn gửi UBND tỉnh Gia Lai, Ban 7, EVN nêu rõ: “Tính đến ngày 12-10-2010, tổng mức đầu tư (TMĐT) chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của công trình trên 301 tỷ đồng; theo TMĐT hiệu chỉnh năm 2009 là trên 868 tỷ đồng, tăng 567 tỷ đồng”. Cũng trong công văn này, EVN lo ngại dự án đầu tư sẽ kém hiệu quả, phải điều chỉnh lại quy hoạch và TMĐT. Và đây cũng là lý do chính khiến EVN trù trừ trong việc giải quyết tiếp những vấn đề tồn đọng.
Tính đến thời điểm này, có tổng cộng 13 phương án hỗ trợ của 478 hộ đã được phê duyệt với số tiền trên 59 tỷ đồng. Song sự chậm trễ vẫn tồn tại dai dẳng; hiện có 140 hộ chưa nhận được tiền hỗ trợ với số tiền trên 23 tỷ đồng… EVN cũng như Ban 7 cũng chưa có phương án quyết liệt để cùng với chính quyền huyện Kbang hỗ trợ cứu đói cho dân. Hiện người dân của 5 làng của các xã Đak Smar, Lơ Ku và làng Groi (thị trấn Kbang) với gần 365 hộ (khoảng 1.825 khẩu) đang cần hỗ trợ cứu đói.
Khi công trình chặn dòng tích nước đã gây khó khăn cho 7 hộ đang sống ven vùng hồ. Họ lâm vào cảnh không có đường đi, không điện. UBND huyện Kbang nhiều lần đề nghị Ban 7 bổ sung vào đối tượng tái định cư hay đề nghị EVN hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng để họ có điều kiện tự túc di chuyển nhưng không nhận được sự đồng thuận. Ông Đinh Duy Vượt- Phó Trưởng ban Văn hóa- Xã hội của HĐND tỉnh bức xúc: Làm một dự án ngoài cái lợi của quốc gia thì người dân cũng phải được hưởng. Nhưng dự án này, từ dân cho đến chính quyền đều bức xúc. Chúng tôi đề nghị nên tạm dừng dự án đến khi nào EVN giải quyết xong những vấn đề còn tồn tại.
Ông Lê Duy Tương- Chủ tịch UBND xã Đak Smar than: “Dân vùng tái định cư thiếu đủ thứ. Đời sống của người dân vùng dự án gặp nhiều khó khăn bởi họ không được phép trồng các loại cây phát triển kinh tế trên đất của mình khi dự án khởi động”. Còn ông Trần Văn Á- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kbang cho biết 130 ha đất bán ngập của người dân thị trấn chưa được bồi thường. Sản phẩm nông nghiệp của họ không thể thu hoạch được vì đường đi bị ngập khi hồ chứa Ka Nak tích nước.
Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm