Gia Lai: Chương trình 135- Điểm tựa để thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Nguyễn Khoa Lai- Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai phấn khởi: “Trong những năm qua, Chương trình 135 giai đoạn II (CT135-II) được coi là xương sống góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy đồng vốn đầu tư không nhiều nhưng được đưa về trực tiếp cho người dân thụ hưởng và đã thực sự đem lại hiệu quả rất cao, ít bị thất thoát, chương trình đã tác động tích cực đến đời sống cộng đồng”.
Nhà văn hóa cộng đồng thôn Ba Boòng, xã Al Bá, huyện Chư Sê được xây dựng từ Chương trình 135 giai đoạn II. Ảnh: Vũ Năm
Nhà văn hóa cộng đồng thôn Ba Boòng, xã Al Bá, huyện Chư Sê được xây dựng từ Chương trình 135 giai đoạn II. Ảnh: Vũ Năm
Trong 5 năm (2006-2010), Gia Lai được đầu tư gần 600 tỷ đồng từ CT135-II và lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi. Năm 2006, từ chỗ toàn tỉnh còn 51,3% hộ dân thuộc diện nghèo, đến nay tỷ lệ này chỉ còn 24,8%. Nâng cao dần đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số với mức thu nhập trung bình từ 2,1 triệu đồng/người/năm lên 3,6 triệu đồng/người/năm. Đến nay, Gia Lai đã có 7/68 xã tự rút khỏi danh sách đặc biệt khó khăn.
Huyện Chư Sê có 6 xã được thụ hưởng chương trình và đây là một trong những địa phương được đánh giá là đã thực hiện rất tốt CT135-II. Có được kết quả này là cả một quá trình chỉ đạo thống nhất từ huyện xuống xã, tổ dân phố theo nguyên tắc “Không bình quân chia đều, ưu tiên đầu tư cho những xã, thôn, làng có mức độ khó khăn nhiều hơn”. Ông Nguyễn Hồng Linh-Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết: Chương trình đã đầu tư gần 60 tỷ đồng cho 6 xã đặc biệt khó khăn (giao cho 3 xã làm chủ đầu tư) đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đến nay, đường sá đi lại thuận tiện, điện thắp sáng, nước sạch đến từng nhà; y tế đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân, chống được các dịch bệnh… Nhờ hợp phần hỗ trợ sản xuất, các hộ đã chọn được giống hồ tiêu năng suất cao và hỗ trợ mua trụ bê tông (thay thế trụ gỗ) tránh được tình trạng chặt phá rừng. Đặc biệt, huyện đã chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Về lâu dài đây là lực lượng quan trọng, quyết định sự thành bại của công cuộc xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu ổn định của người dân trên địa bàn. Bà Siu B’Ngang-buôn Roh Lớn, xã Al Bá, huyện Chư Sê vui mừng cho biết: “Năm trước, nhà mình được Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng mua 20 trụ bê tông. Từ khi dùng trụ bê tông mới này, tôi không còn lo gốc và thân bị mục nữa. Đến nay, vườn tiêu cho thu hoạch bói. Hy vọng khoảng 2 năm nữa, với loại giống tốt này, hơn 2 sào đất vườn trồng hồ tiêu sẽ là nguồn thu ổn định, lâu dài, nuôi sống hai mẹ con. Nếu có thêm tiền, tôi sẽ mua thêm 40 trụ bê tông nữa…”.Tuy nhiên vẫn còn đó một vài niềm trăn trở sau khi đã kết thúc CT135-II. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên cho biết: “Gia Lai có 68 xã (608 thôn, làng) và 309 làng thuộc diện đặc biệt khó khăn đã được thụ hưởng CT135-II. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã thực sự làm chuyển biến nâng cao đời sống, phát triển cơ sở hạ tầng… Chương trình đã làm thay đổi nhận thức, phát huy nội lực cộng đồng, người dân đã biết sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao… Từ chỗ nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, đến nay trên toàn tỉnh đã có 100% xã có trạm y tế, 100% thôn làng có điện thắp sáng, trên 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện; 100% xã có bưu điện văn hóa; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã; 100% thôn làng có trường mẫu giáo và tiểu học được xây dựng kiên cố; trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 95%; hơn 70% hộ người dân tộc thiểu số được dùng nước hợp vệ sinh; an ninh chính trị được giữ vững. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị liên quan cần đặc biệt quan tâm đến việc duy tu bảo dưỡng thì các công trình mới có thể tiếp tục phát huy được hiệu quả”.
Vũ Đình Năm

Có thể bạn quan tâm