Bài 2: Xót lòng phận mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ai cũng mong muốn được sinh ra trong một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Nhưng với các em ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh (TTBTXHTHT) thì hạnh phúc ấy đã ngoài tầm với…
Những đôi mắt buồn đến lạ
Trước khi đến TTBTXHTHT, tôi cũng đã tìm hiểu một vài hoàn cảnh của các em ở đây. Trong số đó, có thể kể đến cô bé Nguyễn Kiều Diễm My (SN 2006)-em bị mẹ nuôi bạo hành một cách dã man. Nếu không được sự giải cứu của những người phụ nữ nhân hậu thì chẳng biết cuộc đời em sẽ còn gặp phải những bất hạnh gì kế tiếp. Giờ My đã sắp vào lớp 1, các vết thương cũ đã mờ sẹo, những trận đòn roi đã thành ký ức, nụ cười trong trẻo hồn nhiên đã trở lại nhưng đôi mắt trẻ thơ ấy vẫn man mác một nỗi buồn khó tả.

Khi tôi hỏi chuyện, Siu Sếp không nhìn vào mắt tôi mà hướng nhìn vào một khoảng không vô định. Em kiệm lời đến mức cô giáo phải nhắc nhở, em mới trả lời nhát gừng… Cả khi tôi giương máy ảnh để chụp hình, em cũng không nhìn thẳng vào ống kính như những bé khác mà mắt cứ nhìn xa xăm…

Phút ưu tư của cậu bé Siu Sếp. Ảnh: Như Nguyện
Phút ưu tư của cậu bé Siu Sếp. Ảnh: Như Nguyện
Hỏi năm sinh, Siu Sếp chẳng nhớ, nhưng tôi đoán em chỉ tầm 10 hay 11 tuổi. Siu Sếp cho biết, hiện em đang theo học lớp 4-Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm-TP. Pleiku. Các năm học trước em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Em không nói về hoàn cảnh của mình khi tôi hỏi nhưng nhìn vào đôi mắt ấy tôi hiểu đó là một ký ức buồn mà em muốn quên đi. Trước khi gặp Siu Sếp, tôi đã gặp em gái của em là Siu Síp, đang học lớp 1 cùng trường với anh trai. Dù đã 9 tuổi nhưng Siu Síp chỉ mới học lớp 1 là bởi cái tính hay quên, học hoài mà chẳng nhớ được mặt chữ, thành thử đã 3 năm ròng chỉ học mỗi một lớp. Khác với anh trai, Síp có vẻ cởi mở hơn một chút. Síp kể: Em chỉ nhớ nhà mình ở làng Tung, huyện Đức Cơ, mồ côi cha mẹ từ bé. Gia đình người bác cũng nghèo nên chẳng thể nuôi nổi hai anh em, thế là bác gửi cả hai lên đây. Síp kể ngắn gọn, mái tóc quăn lòa xòa che đôi mắt ươn ướt.   
Cùng làng với hai anh em Siu Sếp là cô bé Rah Lan H’Lan (9 tuổi). H’Lan cũng mồ côi cả cha và mẹ. Trong câu chuyện mà em thường kể cho cô giáo Phạm Thị Diễn (dạy học ở Trung tâm) nghe về hoàn cảnh của mình khiến tôi nhói lòng. Theo lời H’Lan kể thì cha thường hay uống rượu. Mỗi lần say rượu, ông lại về chửi bới đánh đập mẹ em. Lần đó cha cũng say rượu và thay vì đánh như mọi lần, cha lại cầm dao đâm chết mẹ. Ông ngoại H’Lan tức giận đã đánh chết con rể… H’Lan được bà ngoại gửi vào đây.
Bắt gặp ánh nhìn thương cảm của tôi, cô bé H’Lan nép vào mình cô giáo Diễn như trốn tránh. Ở TTBTXHTHT, mỗi em đều có mỗi hoàn cảnh khác nhau và nếu tìm hiểu kỹ thì đó đều là những câu chuyện buồn khiến lòng người day dứt…
Ước mơ nhỏ từ mái ấm chung
Những mảnh đời bất hạnh tề tựu về đây chung sống để bắt đầu một cuộc sống mới. Ở đây, các em được đùm bọc và chở che trong vòng tay của cộng đồng, của những tấm lòng nhân ái. Cái cảm giác xa lạ, bỡ ngỡ lúc đầu dần được thay thế bằng cảm giác thân quen, ấm áp và gần gũi. Các mẹ, các chị ở Trung tâm luôn cảm thông và chia sẻ, điều đó giúp các em bớt tủi thân, có thêm động lực học tập, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và tiếp sức cho những ước mơ tượng hình. 
Nói về ước mơ của mình, em Rơ Ô Nhung (12 tuổi), xã Đất Bằng, huyện Krông Pa bộc bạch: Em muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người khó khăn. Mẹ em cũng chết vì bệnh tật nên em càng quyết tâm thực hiện ước mơ này. Nhà em có 3 anh em, nghèo lắm, chưa đến mùa thóc đã đói. Mẹ mất vì bệnh tật nên một mình cha không thể nuôi nổi và cha đã gửi em lên Trung tâm ở được một năm nay. Để thực hiện ước mơ của mình, em luôn cố gắng học hành thật tốt. Năm học vừa qua em đã đạt danh hiệu học sinh giỏi…
Những ước mơ đẹp đã và đang được ấp ủ nơi mái nhà chung. Có ước mơ chỉ mới tượng hình, có ước mơ đã trở thành hiện thực. Nhưng đó là với người trẻ. Còn người già đang sống tại TTBTXHTHT thì ngay cả ước mơ cũng là một điều gì đó thật xa xỉ…
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm