Bài 3: Những giọt nước mắt... tuôn rơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khu nuôi dưỡng người già của Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh (TTBTXHTHT) nằm khuất phía sau cùng, không gian yên tĩnh và thoáng đãng. Ở đây, người trẻ nhất cũng đã ngoài 60 tuổi, già nhất cũng đã qua cái tuổi 100. Nhiều người trong số đó không thể tự chăm sóc bản thân mình; có cụ đã già, đã lẫn nên cũng chẳng khác nào con nít. Và chỉ cần một chút chạnh lòng là nước mắt tuôn rơi…

Ở vào cái tuổi lý ra phải được hưởng phúc, sum vầy bên gia đình, con cháu thì hầu hết các cụ ở đây đều phải lang thang kiếm sống khắp nơi bằng nhiều nghề khác nhau. Và đối với nhiều cụ cuối đời được về sống tại đây coi như đã là cái phúc… Đấy là cách các cụ nói để tự an ủi mình nhưng cứ nhìn mỗi buổi sáng, rồi lại chiều các cụ bắc ghế ra ngoài hành lang tựa cửa nhìn xa xăm mới thấy một nỗi buồn, một nỗi cô đơn khó tả thành lời. Khu ở của người già neo đơn, không nơi nương tựa khá yên tĩnh và cũng có lẽ vì quá yên tĩnh mà ngay cả một tiếng thở dài, một tiếng rên khe khẽ cũng có thể nghe rất rõ.

Vợ chồng ông Đinh Y’Hek và bà H’Biên. Ảnh: Như Nguyện
Vợ chồng ông Đinh Y’Hek và bà H’Biên. Ảnh: Như Nguyện

Lúc tôi đi ngang qua phòng, cụ Phạm Thị Dư (73 tuổi), quê ở Bình Định vẫn đang ngồi nghỉ trên giường vì bệnh cũ tái phát. Có lẽ thấy tôi là người lạ nên cụ lò dò ra ngoài hành lang để hỏi chuyện. Ở đây, vào những dịp lễ, Tết mới thấy nhiều người đến thăm chứ ngày thường ít ai lui tới nên các cụ cũng buồn, chỉ mong có người đến để hỏi han, tâm sự. Vậy là dù chân bước không vững nhưng cụ vẫn cố bám vào vách tường để lần ra cửa. Tôi quay lại chưa kịp hỏi han gì đã thấy cụ òa khóc. Tủi thân, tủi phận và vì những cơn đau hành hạ nên cụ cứ thế để mặc nước mắt lã chã rơi… “Khóc được là tốt rồi chỉ sợ khóc không nổi mà thôi…”-câu nói nửa an ủi nửa than thân trách phận của một cụ khiến sống mũi tôi cay cay...

Cũng đã 14 năm rồi, cụ Nguyễn Thị Nga (69 tuổi) tá túc tại TTBTXHTHT. Đã quen với hoàn cảnh nên cụ Nga lạc quan và yêu đời hơn so với các cụ còn lại ở đây. Cụ kể về chuyện đời mình bằng chất giọng đều đều không cảm xúc của một người đã chấp nhận sự an bài của số phận. Quê cụ Nga ở Quảng Ngãi. Cha mẹ mất sớm chỉ còn hai anh em nương tựa nhau, nhưng do thời buổi khó khăn, loạn lạc nên thất lạc từ lúc trẻ. Chỉ nghe đồn anh trai ở tỉnh Lâm Đồng nhưng cụ Nga không biết chính xác ở đâu. Mà cũng chẳng biết anh trai mình hiện nay còn sống hay đã mất.

Cụ Nga không gia đình, con cái lại chẳng có nhiều tiền của để đi kiếm anh trai nên đành phó mặc cho số phận. Đối với cụ được vào đây ở là khá tốt và thoải mái hơn so với tháng ngày vất vả, bươn chải ngoài đường. Ở đây nhiều người cùng cảnh ngộ nên đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau. Người còn khỏe chăm sóc cho người ốm. Vả lại trái gió trở trời đều được các cô điều dưỡng cho đi khám bệnh, cấp thuốc đầy đủ… Cùng phòng với cụ Nga có cụ Nguyễn Thị Thảo đã 101 tuổi. Có lẽ đã quá già nên cụ đâm ra bị lẫn. Đối với cụ ngày là đêm và ngược lại. Lúc mọi người ngủ thì cụ lại thao thức, trằn trọc còn ban ngày thì ngủ li bì. “Thật đúng là kiếp… trời đày”- cụ Nga thở dài thương cảm.


Hạnh phúc hiếm hoi nhất mà tôi bắt gặp được ở đây chính là khoảnh khắc chụp hình cho đôi vợ chồng ông Đinh Y’Hek (80 tuổi) và bà H’Biên (62 tuổi), làng Hlim, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang. Bà nép vào ông một cách tình cảm và mỉm cười mãn nguyện. Ông bà có 5 người con nhưng tất cả đều rất nghèo, không thể nuôi dưỡng, chăm sóc cho bố mẹ. Thương con vả lại cũng chẳng muốn làm phiền chúng nên ông xin vào TTBTXHTHT để ở. Bà thương ông lắm vì đã già yếu lại cụt mất một chân, khắp người là các vết thương (ông Đinh Y’Hek là thương binh 2/4) nếu ở một mình sợ ông không tự chăm sóc được bản thân nên bà xin vào đây ở cùng ông để có người bầu bạn, cũng để trọn đạo vợ chồng. Với ông bà, được ở cùng nhau thế này là hạnh phúc lắm chẳng dám mong gì hơn.

Hiểu hoàn cảnh của các cụ nên cán bộ, viên chức ở Trung tâm đều rất nhẹ nhàng, ân cần trong việc chăm sóc để các cụ không cảm thấy tủi phận. Ông Lê Văn Thành- Giám đốc TTBTXHTHT chia sẻ: “Chúng tôi luôn tâm niệm việc chăm sóc cho các đối tượng không chỉ là công việc, là trách nhiệm mà còn là tình thương, sự chia sẻ. Điều đó làm cho họ cảm thấy sự gần gũi, tin cậy, xóa dần những mặc cảm và khoảng cách… Với các cụ, cuối đời không được đoàn viên cùng gia đình đã là một thiệt thòi lớn nên chúng tôi cố gắng bù đắp qua những việc làm trong phạm vi có thể. Chúng tôi đã làm việc với UBND phường Yên Thế (TP.Pleiku) và đã được cấp đất trong khu vực nghĩa trang phường Yên Thế để các cụ nếu có mất đi cũng có chỗ an táng ở cạnh nhau cho ấm cúng…”.

Như Nguyện

[links(lef]t)
 

Có thể bạn quan tâm