Bài 2: Tột cùng nỗi đau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 9 tháng năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 153 vụ tai nạn giao thông, làm chết 173 người và bị thương 111 người. Hệ lụy từ tai nạn giao thông là vô cùng to lớn, không chỉ thiệt hại về vật chất mà còn để lại vết thương tinh thần cho nạn nhân và người thân.

Gia đình bi đát

Chúng tôi tìm về con hẻm 48/16 Lý Thái Tổ (TP. Pleiku), hỏi về trường hợp của chị Cao Thị Mỹ Chi (SN 1989) bị tai nạn giao thông thì ai cũng thương cảm và xót xa cho hoàn cảnh và số phận của chị. Thấy chị gầy gò, xanh xao đang ngồi thẫn thờ ở một góc nhà mà tôi không khỏi chạnh lòng xót xa. Giá như không có buổi sáng định mệnh 24-2-2012 thì cuộc sống của gia đình chị bây giờ vẫn hạnh phúc, chồng không bỏ đi, con trai 5 tuổi của chị vẫn được học hành chu đáo.

 

Em Nguyễn Duy An được Hội Bệnh nhân nghèo Gia Lai giúp đỡ 10 triệu đồng để điều trị.  Ảnh: Đ.Y
Em Nguyễn Duy An được Hội Bệnh nhân nghèo Gia Lai giúp đỡ 10 triệu đồng để điều trị. Ảnh: Đ.Y

Vậy mà, chỉ trong chốc lát do hậu quả của tai nạn giao thông, chị sống không ra sống. Chị bị chấn thương sọ não khi đang lưu thông trên đường bị một xe mô tô chạy với tốc độ cao bất ngờ tông thẳng vào đuôi xe khiến chị ngã văng trên đường (đoạn đường Phạm Văn Đồng gần chợ Thống Nhất, TP. Pleiku, Gia Lai). Giờ đây, bệnh của chị tuy đã được điều trị ổn định nhưng di chứng để lại rất nặng nề. Chị bị thần kinh, lúc nhớ lúc quên, không còn khả năng lao động. Cuộc sống của chị bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình và người thân.

Thăm gia đình anh Phạm Ngọc Dũng (tổ dân phố 13, phường Hội Thương, TP. Pleiku), chúng tôi không khỏi bùi ngùi trước nỗi đau tột cùng của gia đình anh đang phải oằn vai gánh chịu hậu quả từ một vụ tai nạn giao thông. Vào trung tuần tháng 6-2010, trên đường đi làm ngang qua Bưu điện tỉnh, chị Lê Thị Trúc Vy-vợ anh, bất ngờ bị xe máy tông ngã đập đầu xuống đường, bị chấn thương sọ não. Sau khi được điều trị, dù đã bình phục nhưng chị Vy không còn như trước. Chị Vy mất trí nhớ, sống ngớ ngẩn, tay chân co quắp không làm được gì. Kể từ ngày ấy, bao nhiêu gánh nặng áo cơm dồn hết lên vai anh. Anh Dũng lại không nghề nghiệp, ai thuê gì làm đó, mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa để kiếm được ngày hai bữa cơm cũng khó.

Bà Võ Thị Kiệt-mẹ chị Vy nước mắt lưng tròng kể lại: Chồng nó-thằng Dũng phải bán nhà để chữa trị cho vợ, cháu tôi phải nghỉ học vì bây giờ gia đình quá nghèo. Còn anh Dũng sau một hồi im lặng, nén lòng mắt chùng xuống buồn bã tiếp lời mẹ vợ: “Giá như tai nạn giao thông không giáng xuống gia đình tôi thì giờ đây con tôi vẫn được đi học, nhà vẫn còn, vợ chồng đầm ấm, vui vẻ bên nhau”.

Nỗi đau còn đó...

Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã lập danh sách 20 gia đình nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông cần được giúp đỡ. Tất cả đều có chung một hoàn cảnh giống nhau là rất nghèo. Cũng mới đây, chúng tôi cùng Hội Bệnh nhân nghèo tỉnh đến thăm, hỗ trợ cho em Nguyễn Duy An, sinh viên Trường Trung cấp Y Gia Lai 10 triệu đồng để em có tiền điều trị sau khi bị tai nạn. Gia đình An rất nghèo, khi thấy em bị tai nạn giao thông, anh trai của An đã phải đi gõ cửa nhiều nơi nhờ giúp về vật chất để cứu em mình.

Chuyện xảy ra vào chiều 7-4-2012, An đang trên đường đi học về bất ngờ bị xe ô tô tải chở đá chạy vượt tốc độ đâm vào trên đường Phạm Văn Đồng (gần Viện Quân y 211). An bị đa chấn thương, dập phổi, thận, lách, gãy chân. Được các y-bác sĩ tận tình cứu chữa, An đã được bình phục sau 23 ngày hôn mê và gần một tháng điều trị. Trong căn nhà thuê chật hẹp tại 973A Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) An được anh chăm sóc sau những ngày nằm viện. Song nhìn dáng vẻ của An vẫn còn rất yếu, gầy còm; chân, tay co quắp đang ngồi bất động trên chiếc ghế mà rất thương tâm.

Anh trai của An-Nguyễn Duy Diện, cho biết: “An đang là một sinh viên giỏi giờ phải nghỉ học vì tai nạn giao thông. Nhiều lúc em không nói nhưng cứ nhìn nó rớm nước mắt mà mình thấy xót xa quá”.

Vừa mới đây thôi, người dân TP. Pleiku được phen hú vía khi thấy một chiếc xe tải chạy như điên kéo lê thầy giáo Mạc Như Chung trên đường Wừu. Người dân qua đường chứng kiến cảnh hãi hùng như vậy thì ai cũng thấy căm phẫn, tức giận. Hậu quả, thầy Chung bị đa chấn thương chuyển vào TP. Hồ Chí Minh cứu chữa nhưng chỉ được 10 ngày sau đó thì thầy Chung vĩnh viễn qua đời để lại vợ và 2 con thơ. Ba tháng sau vụ tai nạn thương tâm ấy, chúng tôi tìm đến nhà thầy Chung (94-Trần Quý Cáp-TP. Pleiku), ngôi nhà vẫn vậy nhưng cảnh vật và con người trong nhà thì vẫn bao trùm một nỗi buồn tang thương.

Đôi mắt của người vợ trẻ mất chồng buồn bã vô hồn nhìn xa xăm, hai đứa con thơ cứ nem nép bên mẹ. Phải đợi một lúc lâu khi tôi gợi lại chuyện, cô Nguyễn Hương Sa-vợ thầy Chung vẫn chưa thể nói tròn một câu chuyện. Nén buồn, giọng cô Sa chậm rãi: “Rồi đây một mình phải lo toan gánh vác tất cả. Chỉ nghĩ vậy thôi, mình cũng thấy đau lắm. Mình căm ghét những kẻ vô lương tâm, coi tính mạng con người như cỏ rác. Pháp luật phải trừng trị thật nghiêm những kẻ tham gia giao thông trên đường mà không chấp hành đúng quy định pháp luật”. 

Nhóm P.V Văn hóa Xã hội

Có thể bạn quan tâm