Có một làng Poong triệu phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mười bảy năm đi qua với người dân làng Poong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ như giấc ngủ dài. Chớp mắt tỉnh dậy, những khoảnh rừng trắng lau sậy ngày nào, giờ đã được phủ màu xanh của bạt ngàn cao su. Ngôi làng có thể nói là nghèo khó nhất trong những làng nghèo khó của Đức Cơ, giờ đây chỉ là dĩ vãng!

Hình ảnh những mái nhà tranh thưa thớt, xiêu vẹo, những đứa trẻ nhếch nhác còi cọc vì đói... những bà mẹ tỉ mẩn nhặt từng hạt thóc, hạt bắp rơi và từng lát mì khô cuối cùng sót lại trong góc nhà để lo bữa chiều cho cả nhà...; những người cha, người anh thất thểu từ rừng về với một ít củ mài lấm đất trên tay... đối với đồng bào Jrai ở làng Poong chỉ còn trong hoài niệm, những ký ức chẳng nhạt nhòa, trong giấc mơ hay trong những câu chuyện mà già làng Rơ Mah Chiêu răn dạy con cháu về một thời cơ cực.

 

Một góc làng Poong. Ảnh: Thu Huyền
Một góc làng Poong. Ảnh: Thu Huyền

Già Chiêu trầm ngâm, giọng già chùng xuống khi nhắc đến cái cơ cực nghèo đói và bệnh tật mà dân làng đã phải trải qua. “Người làng mình ngày ấy ở trên rẫy để trỉa bắp, trồng mì, trỉa xong rồi thì phải chờ xem Yàng có cho mưa không! Nếu mưa thì sẽ còn có cái mà ăn cho đến mùa sau, Yàng cứ nắng thì cả làng phải chịu đói, sống cực khổ không có cái để ăn, không có quần áo mặc.

Thanh niên trong làng ai có sức khỏe thì vào rừng mà kiếm củ mài, săn lấy con thú về ăn nhưng khi có khi không”. Và cũng ánh mắt đó cũng giọng nói đó của già sáng lên và trầm ấm hơn  khi kể về sự đổi thay của làng Poong cơm no áo ấm, nhờ có những người lính Công ty 75 (Binh đoàn 15).

“Vào năm 1996, khi những người lính Bộ đội Cụ Hồ đi tiên phong đặt nhát cuốc đầu tiên xuống vùng đất này khai hoang, mở đất trồng cây cao su, rồi vận động, giải thích hướng dẫn bà con đồng bào làng Poong cùng làm! Ban đầu chẳng ai tin được  loại cây ấy có thể mang về cơm ăn, áo mặc cho dân làng, nên không ai làm theo, có người còn chống đối. Nhưng rồi bộ đội, miệng nói tay làm, bộ đội tốt với dân làng mình lắm, cho gạo ăn, cho thuốc uống để chữa khỏi bệnh và cứ thế dần dà  dân làng mình đều tin bộ đội”.

Từ một người, hai người, rồi cả làng đi theo làm công nhân cho Đội 13-Công ty 75, ai cũng hăng say lao động, dãi nắng dầm sương cùng những người lính, những đôi bàn tay phồng rộp rồi chai sần vì cầm cuốc, giọt mồ hôi của ý thức ướt đẫm những khuôn mặt nâu sạm để cho rừng cao su xanh ngát trải rộng đến chân trời. Ngày mà những lứa cao su đầu tiên cho thu mủ, dân làng Poong và các chiến sĩ cứ thế ôm nhau đầy xúc động. Công sức bao năm trời của tình  quân dân đã hóa thành dòng “vàng trắng” vô tận.

Người làng Poong sau những tháng ngày nghèo đói cũng đã nhìn thấy con đường phía trước, của ấm no đủ đầy. Thực sự làng Poong đã đuổi được cái đói cái nghèo, hơn ai hết họ đã hiểu chỉ có lao động và làm theo sự hướng dẫn của bộ đội Công ty 75 và làm theo khoa học mới mong có cơ hội thoát nghèo. Từ 2 đến 8 ha cao su nhận chăm sóc cho Đội 13-Công ty 75 thì người dân làng Poong còn được bộ đội  hướng dẫn trồng thêm cây điều, cây cà phê và chăn nuôi thêm con heo, con bò…

Bây giờ hơn 100 hộ gia đình ở làng Poong đã có được cơ ngơi mà nhiều người dân ở Gia Lai vẫn đang mơ ước. Cách đây ba bốn năm, thu nhập của mỗi hộ ở làng Poong đã 200-300 triệu đồng/năm, nhiều hộ khá thì đã lên đến 500 triệu đồng, thậm chí có những hộ thu nhập đến tiền tỷ.

Đến làng Poong hôm nay đã thấy nhiều nhà xây to đẹp, hầu hết các hộ gia đình đã mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong nhà như: ti vi, tủ lạnh, xe máy, xe công nông để chở sản phẩm sau thu hoạch và cũng có nhà sắm được ô tô… ngoài no đủ thì làng Poong còn  được quan tâm về các vấn đề dân sinh, giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.

Để giúp công nhân- người lao động yên tâm khi đi làm, Đội 13 của Công ty 75 đã xây một điểm trường mầm non và có các cô giáo phụ trách lớp. Con em của công nhân-người lao động trong đội được gửi vào trường. Tại đây, các cháu được chăm sóc chu đáo. Đồng thời, đội còn xây dựng một trạm xá với 2 bác sĩ, 3 y sĩ và 6 sơ cấp, trang bị một số máy móc hiện đại đảm bảo khám-chữa bệnh kịp thời, miễn phí cho công nhân-người lao động.

Ông Rơ Mah Tơk-Thôn trưởng làng Poong hồ hởi: “Có được ngày hôm nay, tôi và cả dân làng sẽ nhớ cái ơn này của bộ đội 75 mà dạy dỗ con cháu mình và bà con cần phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa”!

Tiên Lang

Có thể bạn quan tâm