Đẩy mạnh việc triển khai chỉ thị về bảo vệ trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 24-4, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo triển khai Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo 63 tỉnh thành phố đã được hướng dẫn triển khai chỉ thị. Đặc biệt, những địa phương đi đầu hoàn thành kế hoạch triển khai chỉ thị đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tại hội thảo.

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Duy Sớm, hàm Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết mặc dù Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị mới được ban hành 5 tháng nhưng đã có 20/63 tỉnh thành phố xây dựng xong kế hoạch triển khai chỉ thị và gửi về Ban Tuyên giáo trung ương.

“Nội dung của chỉ thị chỉ mang tính định hướng còn cụ thể hóa chỉ thị là tùy vào từng địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện. Tôi hy vọng trong vài tháng tới, tất cả các địa phương có thể xây dựng kế hoạch triển khai chỉ thị”, ông Lê Duy Sớm nói.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã chia sẻ những khó khăn trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở các bộ ngành, địa phương.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhận định mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Một số nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, éo le chưa được đưa vào Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em bước đầu được xây dựng nhưng chưa được thực hành rộng rãi.

Tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Hải Hữu- Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết bên cạnh 6 chương trình, đề án quốc gia về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, sắp tới sẽ có thêm Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng nhằm đảm bảo quyền được tham gia của trẻ em.

Đồng tình với quan điểm cần tăng cường sự tham gia của trẻ em, ông Lê Duy Sớm cho rằng: “Tiếng nói của trẻ em cần được lắng nghe, trẻ em có quyền tham gia vào xây dựng các chính sách, từ đó có thể giúp chúng ta xây dựng được những xã phường phù hợp với trẻ em, đất nước phù hợp với trẻ em”.

Bên cạnh đó, một vấn đề được nhiều đại biểu tại hội thảo quan tâm là ngân sách thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại các địa phương vẫn còn hạn chế.

“Ngân sách  các địa phương đầu tư cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa tương xứng với sự phát triển của nhiều địa phương. Tôi hy vọng sắp tới các địa phương sẽ chú trọng đầu tư nhiều hơn cho công tác này”, tiến sỹ Nguyễn Hải Hữu nói.

Mặc khác, Tiến sỹ Nguyễn Hải Hữu cho rằng cần sửa đổi và bổ sung một số chính sách phúc lợi xã hội cho trẻ em. Hiện nay các chính sách hỗ trợ trẻ em đang bị xé lẻ và chia về nhiều bộ, nghành khác nhau, vì vậy, tiến sỹ Nguyễn Hải hữu cho rằng trong tương lai cần gom toàn bộ các chính sách về giáo dục, y tế… thành trợ cấp cho gia đình để họ đảm bảo trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc y tế, giáo dục đầy đủ.

Các đại biểu đều đồng tình rằng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội có trách nhiệm làm tốt công tác này.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm