Thiêng liêng Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những người lính Trường Sa nói rằng lần nào ra đến cụm đảo Gạc Ma-Len Đao-Cô Lin, các chiến sĩ của chúng ta cũng đều tổ chức một lễ tưởng niệm rất trang trọng. Hôm ấy, tôi may mắn được dự một buổi lễ tưởng niệm như thế.

Và, có điều đặc biệt hơn, cùng với vòng hoa tưởng niệm-vòng hoa bất tử-được thả xuống vùng biển nơi diễn ra trận đánh, còn có một kỷ vật được gửi vào lòng biển cho một trong 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh đó. Đó là kỷ vật của một người con gái nơi đất liền gửi vào sóng nước Trường Sa cho người yêu của mình-liệt sĩ Võ Đình Tuấn. 

 

Vòng hoa bất tử viếng các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa. Ảnh: K.D
Vòng hoa bất tử viếng các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa. Ảnh: K.D

“Trường Sa những ngày này có gió to sóng lớn nữa không Tuấn? Nắng Trường Sa có rực rỡ như ngày nào Tuấn đã kể với mình không? Hay nơi đó vẫn chiều chiều sóng vỗ rì rầm bên bờ đại dương xanh mênh mông?(…). Nước mắt mình không còn nữa để khóc vì Tuấn, vì chúng ta…”.  Ngay giữa Trường Sa, tôi đã đọc được những dòng chữ viết trong nước mắt này của một cô gái ở đất liền gửi người bạn tình là một liệt sĩ.

Buổi lễ viếng hương hồn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Trường Sa được tổ chức trên con tàu khi nó vừa thả neo tại vùng biển Cô Lin-Len Đao-Gạc Ma, nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày nào. Suốt những ngày lênh đênh trên con tàu, tôi phần lớn thấy biển động dữ dội vì là cuối năm. Nhưng thật kỳ lạ là sau lời khấn nguyện của một sĩ quan chỉ huy, tôi dường như nhận thấy biển bỗng nhiên hiền hòa trở lại. Nơi mạn tàu, những con sóng chỉ lăn tăn vỗ về. Trời yên, biển lặng. Lòng biển thăm thẳm như thấu được nỗi lòng của người khấn cầu nên cứ lặng yên trong mùa giông bão Trường Sa.

Nói thêm một chút về liệt sĩ Võ Đình Tuấn: Đêm trước khi Tuấn ra Trường Sa làm nhiệm vụ, Tuấn và Dung, người yêu của anh và là người đã viết những lá thư cho Tuấn sau khi anh đã hy sinh, đã gặp nhau trên biển Nha Trang (Khánh Hòa).

 

Ảnh: Khắc Dũng
Ảnh: Khắc Dũng

Và, lần chia tay sau đêm gặp gỡ trên biển Nha Trang ấy lại là lần gặp gỡ định mệnh, là vĩnh biệt… Người lính trẻ này đã vĩnh viễn nằm lại với biển đảo quê hương! Tuấn đã ra đi mãi mãi trong một trận đánh mà không biết rằng nơi đất liền kia đã có những lá thư viết cho anh nhưng không gửi được vì anh đã hy sinh, đã có những bài thơ viết tặng riêng anh nhưng anh chưa kịp đọc, có một tấm ảnh kỷ niệm chụp chung của anh và người yêu mà anh chưa kịp nhìn thấy… Giờ đây, những kỷ vật ấy được Dung nhờ người mang ra tận Trường Sa gửi xuống lòng biển để “trao” cho Tuấn.
Biển lặng. Hồn biển đang hiện về!

“Tuấn đi đi, ra với anh em! Chúng mình còn nhỏ quá, còn trẻ quá, chỉ mới bắt đầu! À, chưa, chưa bắt đầu, chỉ mới lớn, tương lai còn mịt mờ, không định dạng. Chúng mình không thể dừng lại được! Tuấn hãy đi đi, Tuấn ra với anh em, Tuấn ra với bạn bè! Ngày Tuấn về, Dung thích một bông mai, một bông mai rực nắng Trường Sa”… “Ngày Tuấn về, Dung thích một bông mai, một bông mai rực nắng Trường Sa…”. Có hay không một bông mai như thế hả Tuấn?

Thú thật, tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc đến những dòng này của Dung-một người phụ nữ mà tôi chưa một lần được gặp mặt.

Buổi sáng hôm ấy, lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa được tổ chức một cách trang nghiêm và hết sức xúc động. Nén hương được thắp lên giữa biển Đông dường như thiêng liêng hơn, tâm linh hơn. Khói hương trên boong con tàu đã bay vòng quanh rồi mới trôi ra biển rộng. Khói hương bay đi và mang theo bao nhiêu là lời nguyện cầu. Và dường như biển cả cũng nghe thấy được những lời nguyện cầu ấy.      

Tuấn ở đâu đó trong lòng đại dương kia một phần tư thế kỷ đã không kịp nhìn thấy tấm ảnh chụp chung hai người, không biết có những lá thư, những trang nhật ký, những câu thơ đầm đìa nước mắt. Mãi đến giờ, trong buổi lễ tưởng niệm này, những kỷ vật kia mới được Dung nhờ người mang ra tận Trường Sa, đến đúng cái nơi Tuấn đã hy sinh, để trao cho Tuấn đang ở đâu đó trong lòng đại dương mênh mông.

 

Ảnh: Khắc Dũng
Ảnh: Khắc Dũng

Câu chuyện về cô gái viết thư cho người đã khuất, người mình yêu, đã không thôi day dứt, ám ảnh tôi. Buổi sáng hôm sau, khi thức giấc, vẫn theo thói quen, tôi lại đến ô tròn cửa sổ con tàu để nhìn ra ngoài, nhìn ra biển nước mông mênh. Nhưng dường như trong nửa đêm về sáng này, biển ngoài kia, biển bên ngoài ô cửa con tàu có điều gì đó khác hơn mọi khi.

Con tàu đang đi về phía đảo Đá Đông. Nó đang xa dần cụm đảo Cô Lin, Len Đao và cả Gạc Ma-nơi Tuấn và sáu mươi ba đồng đội của anh đã ngã xuống. Bên ngoài kia, bên ngoài ô cửa con tàu, biển vẫn ngăn ngắt màu xanh yêu thương, sóng vẫn trắng xóa một màu thân quen. Và, khác với mọi khi, bên ngoài ô cửa con tàu, tôi không chỉ nhìn thấy màu xanh của biển và màu trắng của sóng mà ở đó, tôi còn cảm nhận được màu đỏ của máu, máu của Tuấn và của đồng đội anh, hòa trong lòng đại dương. Tuấn đang ở đâu trong lòng biển mênh mông kia? Liệu anh có thấu cho nỗi lòng của người mình yêu với sự gào thét đến khản giọng: “Tuấn về đi! Tuấn về đi! Tuấn về đi, để Dung sẽ nói một lời yêu, một lời yêu nồng cháy mà chúng mình không dám nói với nhau…”.

Con tàu chao nghiêng mạnh hơn. Đại dương như đang cựa mình mạnh hơn. Biển đã nhận vào mình những kỷ vật của người con gái có trái tim ký thác vào biển cả bởi một chàng trai mặc áo lính.

Khắc Dũng

Có thể bạn quan tâm