Chàng trai khuyết tật mê làm từ thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi so với những người bình thường nhưng Nguyễn Duy Học vẫn lạc quan vượt qua nhiều khó khăn, học tập và cống hiến hết mình cho hoạt động từ thiện.

“Nick Đak Lak”

Duy Học-sinh năm 1985 ở thôn 1A, xã Ea Kly (huyện Krông Pak, Đak Lak). Tật nguyền bẩm sinh khiến chân tay anh co quắp, cơ thể chậm phát triển, đi lại sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Dù di chuyển rất chật vật, nhưng với khát khao tri thức vô bờ, Học đã hoàn thành xuất sắc 12 năm học phổ thông và thi đậu vào Cao đẳng Tin học ở Đà Nẵng.

 

Chuẩn bị thực phẩm để chế biến bữa ăn. Ảnh: Phúc Nguyên
Chuẩn bị thực phẩm để chế biến bữa ăn. Ảnh: Phúc Nguyên

Từ đây, anh bắt đầu bén duyên với những hoạt động tình nguyện ở trường. Năm 2010 ra trường, với tấm bằng Tin học trong tay, Học tự mình vào thành phố Hồ Chí Minh lang thang tìm việc nhưng toàn bị từ chối bởi ngoại hình “chẳng giống ai”. Trở về Đak Lak, Học được nhận vào làm quản lý mạng máy tính cho một công ty tư nhân. Những lúc rảnh rỗi Học lại theo chân những nhóm bạn trẻ đi làm việc thiện. “Cần nhìn lên để mơ ước phấn đấu, nhưng cũng phải nhìn xuống để thấy và sẻ chia nâng đỡ nhiều người kém may mắn hơn mình”- Học tâm niệm.

Tháng 10-2012, Học cùng một số bạn đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương”. Những ngày mới thành lập, kinh phí chủ yếu do thành viên trong nhóm tự lấy tiền túi đóng góp. Để duy trì hoạt động, nhóm tích cực vận động người thân, bạn bè cùng tham gia. Đến nay, nhóm đã có hơn 100 thành viên, tất cả đều là học sinh, sinh viên.

 

Học cùng các bạn chuẩn bị cơm canh phục vụ bệnh nhân nghèo. Ảnh: Phúc Nguyên
Học cùng các bạn chuẩn bị cơm canh phục vụ bệnh nhân nghèo. Ảnh: Phúc Nguyên

Bữa cơm ấm lòng bệnh nhân nghèo

Gần một năm nay, bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đak Lak thường gặp những bạn trẻ mặc áo xanh mang thông điệp “Vòng tay yêu thương” có mặt đều đặn mỗi tháng hai lần vào sáng chủ nhật để trao cơm miễn phí đến tận tay bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, nhóm thiện nguyện còn hỗ trợ thường xuyên mỗi tháng 300 ngàn đồng cho 15 gia đình có người khuyết tật, trẻ em mồ côi ở xã Ea Kly.

Học cho biết, mỗi lần tổ chức nấu 200 suất cơm miễn phí cần khoảng 20 thành viên. Một số bạn trực tiếp phụ trách nấu nướng còn những bạn khác sẽ rảo quanh các khoa để phát phiếu và hướng dẫn bệnh nhân nghèo đến điểm phát cơm tập trung. Với bệnh nhân nặng theo danh sách do bệnh viện cung cấp, nhóm mang cơm đến tận giường. Theo chân nhóm phát cơm, chúng tôi có mặt ở Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đak Lak, chứng kiến niềm vui của những bệnh nhân hoàn cảnh éo le đang phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo khi nhận những suất cơm miễn phí đầy đủ thịt, rau,  đậu khuôn. “Bọn mình phải cử người đi xuống tận vườn để lấy rau, đặt thịt tận lò mổ với số tiền 15 ngàn đồng mỗi suất, vẫn bảo đảm suất ăn đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân”- Học chia sẻ.

 

Một thành viên trong nhóm phát cơm cho bệnh nhân. Ảnh: Phúc Nguyên
Một thành viên trong nhóm phát cơm cho bệnh nhân. Ảnh: Phúc Nguyên

Làm từ thiện qua Facebook

Để tiết kiệm thời gian của các thành viên trong nhóm, Học đã sử dụng Facebook làm phương tiện chính để kết nối và liên lạc với mọi người. Từ hoạt động của nhóm đến sắp xếp công việc, công bố tài chính, danh sách người ủng hộ... đều được đưa lên trang chủ “Vòng tay yêu thương” của nhóm. Từ đây mọi người có thể bàn bạc kế hoạch hoạt động nhóm thoải mái với nhau mà không cần phải tổ chức gặp gỡ.

“Mình nghĩ Facebook là một trang mạng xã hội cực kỳ ý nghĩa nếu ta biết tận dụng lợi thế của nó. Bọn mình mỗi khi sắp có chương trình đi làm từ thiện đâu đó là trưởng nhóm thông tin lên trang chủ để mọi người vào chia sẻ ý tưởng hoạt động. Những ai tham gia thì đăng ký hoặc chia sẻ trang của nhóm đến nhiều địa chỉ khác. Từ đó, hoạt động của nhóm dần mở rộng, số lượng thành viên tăng lên. Đơn giản mà hiệu quả”- Học hào hứng tâm sự.

Phúc Nguyên

Có thể bạn quan tâm