Lao đao vì… “thuốc thư”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Thuốc thư” “ma lai” lâu nay vẫn như những “bóng ma” lẩn khuất trong các buôn làng xa xôi, khiến một bộ phận người dân hoang mang, lo sợ còn chính quyền địa phương thì đau đầu tìm cách giải quyết nhằm ổn định tình hình. Và cách đây không lâu, ngay tại xã Chư Á (TP. Pleiku), người dân hai làng Wâu và Ktu cũng một phen lao đao chỉ vì ngộ nhận có “thuốc thư”!.  

Ngày 15-4, Công an xã Chư Á (TP. Pleiku) nhận được đơn trình báo của ông A Yơn (SN 1983, trú tại làng Wâu) về việc em của mình là A Yin bị một thanh niên có tên là Mưng (trú tại làng Ktu) đánh trọng thương ở vùng đầu và đang nằm thoi thóp ở nhà chờ chết vì gia đình quá nghèo không có tiền chạy chữa. Nhận được tin báo, Công an xã đã xuống hiện trường xác minh sự việc đồng thời can thiệp để gia đình đưa A Yin đi bệnh viện điều trị. Sau ba ngày nằm viện, A Yin đã bình phục và  xuất viện về nhà.

 

Nguyên nhân của sự việc trên bắt nguồn từ một cuộc nhậu giữa A Yin và Mlưm (làng Ktu) vào khoảng giữa tháng 3-2013. Sau khi cả hai “chén tạc chén thù” tại nhà Mlưm thì A Yin đứng lên đi về nhà ngủ còn Mlưm sau đó liên tục bị nôn mửa. Thay vì nghĩ mình đã uống quá nhiều rượu, Mlưm lại một mực khẳng định A Yin đã làm gì nên mình mới bị như thế! Chiều hôm sau, Mlưm tìm gặp A Yin để hỏi cho rõ chuyện. Sau một hồi nói qua, nói lại, Mlưm liền hỏi A Yin: “Có phải mày thư tao không?” Dù A Yin một mực từ chối, nhưng sau đó gia đình Mlưm cùng nhiều người dân trong làng cũng tỏ ra “bán tin bán nghi” trước thông tin AYin có thuốc thư và từ đó họ tìm cách xa lánh A Yin.

Sự việc chưa dừng lại ở đó, khoảng một tuần sau, A Yin đến nhà Hmơ đánh bài cùng một nhóm bạn: Bên và Glin. Đánh bài được một lúc, A Yin thấy khát nước nên xuống nhà Hmơ xin một chai nước lên uống, A Yin uống trước sau đó đưa cho Hmơ, Bên, Glin cùng uống. Bốn ngày sau, Hmơ nói mệt trong người và được gia đình đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, nhưng khoảng 15 ngày sau thì Hmơ chết.

Nguyên nhân cái chết của Hmơ được bệnh viện xác định là do suy tủy, xuất huyết tiêu hóa, viêm não nhưng gia đình Hmơ một mực cho rằng: Hôm A Yin đến nhà đánh bài đã cho Hmơ uống một ly nước và ly nước ấy đã bị A Yin thư nên Hmơ mới chết!. Bức xúc trước cái chết của em, Mưng- anh bà con của Hmơ đã rủ mẹ cùng 4 anh chị em khác và một số thanh niên kéo đến nhà tìm đánh A Yin dẫn đến bị thương phải nhập viện. Riêng đối tượng Hyên (làng Ktu) chỉ vì chơi cùng nhóm với A Yin cũng bị dân làng nghi ngờ, xa lánh và không chịu nổi cảnh ấy, Hyên đã uống thuốc tự tử, may được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời.

Sau khi vụ việc xảy ra, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống làng để ổn định tình hình, phân tích, làm rõ về tin đồn thuốc thư cũng như nguyên nhân dẫn đến cái chết của Hmơ. Cùng với đó, UBND xã cũng phối hợp với Công an TP. Pleiku mời dòng họ của hai bên gia đình lên hòa giải, nói rõ nguyên nhân cái chết của Hmơ là do bị bệnh suy tủy, xuất huyết tiêu hóa, viêm não và đưa hai đối tượng A Yin, Glin ra nói rõ sự việc cho hai bên gia đình hiểu… Dù vậy, gia đình Hmơ vẫn không chịu và đòi đưa A Yin ra xử theo luật làng…

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vụ việc trên, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Á- Đinh Ứt cho biết: Trước tình hình trên, Đảng ủy xã và các ban ngành, đoàn thể của thành phố đã thành lập các tổ công tác tăng cường bám tình hình, bám làng vận động nhân dân, trong đó có ba nhóm công tác vận động tại làng Wâu, một nhóm vận động tại làng Ktu.

Cùng với đó, các nhóm đã tranh thủ tiếp xúc với các chức sắc tôn giáo trong Ban chấp việc của Thiên Chúa giáo và Ban chấp sự của 2 làng, cùng những nhân tố có uy tín để trực tiếp làm việc, vận động, giải thích cho gia đình, dòng họ của ông Hmưch (cha ruột của Hmơ) hiểu, đồng thời địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ cho gia đình trong lúc khó khăn. Mặt khác, các nhóm công tác cũng gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với nhiều gia đình và hầu hết các gia đình đều cho rằng: Thuốc thư là chỉ nghe ông bà nói lại chứ chưa thấy bao giờ.

Phải mất gần nửa tháng làm công tác tuyên truyền, vận động câu chuyện “thuốc thư” tại hai làng mới được giải quyết ổn thỏa, người dân yên tâm tư tưởng và các đối tượng tự khoác lác rằng mình có “thuốc thư” đã bị đưa ra kiểm điểm, nhận lỗi trước dân làng. Dẫu vậy thì việc người dân trong những ngôi làng ngay nội thành Pleiku vẫn còn bị “chi phối” bởi những hủ tục là điều đáng phải suy nghĩ. 

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm