Người phụ nữ không chồng… và những đứa con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong ngôi nhà sàn 3 gian thuộc làng Bloch, xã An Trung, huyện Kông Chro, chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ với nước da ngăm đen, trên vầng trán rộng đã xuất hiện những vết nhăn dày. Bà đang cùng cháu của mình chuẩn bị ăn cơm. Đó là hình ảnh của mẹ Đinh Thị Gơi, sinh năm 1942, tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi và không lấy chồng, dành thời gian cho việc chăm sóc trẻ em lang thang cơ nhỡ. Bữa cơm của 2 bà cháu chỉ vẻn vẹn nồi canh và ít rau nhưng rất ấm áp, hạnh phúc.

12 tuổi tham gia cách mạng

Gió mát, mùi trà lài phảng phất đâu đó trong gió. Tôi đang lâng lâng để cảm nhận thì chợt có người lên tiếng làm tôi giật mình. Mẹ đã ăn cơm xong, trên tay đang cầm tách trà với vị thơm đã làm tôi ngất ngây lúc nãy. Đôi tay sần sùi vì dãi nắng dầm mưa, vì cực khổ từ nhỏ đang rót từng ly nước mời khách. Uống xong ngụm nước, mẹ kể: “Năm 1954, tôi còn nhỏ lắm. Cha tôi là già làng, thấy cảnh người dân bị đàn áp, bóc lột nên đã kêu gọi dân làng đứng dậy chống giặc…”.

Kể đến đây, tôi hiểu được trong sâu thẳm 2 con mắt của mẹ chứa đầy những đau khổ. Uống vội ngụm trà như để lấy lại tinh thần, mẹ kể tiếp: “Ông là người cầm đầu nên giặc đã bắt và phạt một tháng tra tấn, bằng cách bỏ đói và dùng đòn roi. Cứ mỗi sáng sớm tinh mơ, tôi lại đưa cơm cho cha. Khi được thả tự do, cha tôi đã đưa dân làng lên núi lánh nạn. Đó cũng là những tháng ngày mà tôi đã thấy và học được rất nhiều điều”.
 

Gương mặt phúc hậu của mẹ Gơi cùng con cháu. Ảnh: Sỹ Loan
Gương mặt phúc hậu của mẹ Gơi cùng con cháu. Ảnh: Sỹ Loan

Cuối năm 1954-sau quãng thời gian thấy cảnh lầm than của nhân dân-dù ít tuổi nhưng mẹ đã giác ngộ được tinh thần cách mạng sâu sắc. Thời điểm này, mẹ đã tham gia làm liên lạc để nối các đơn vị trong địa bàn lân cận. Một đứa trẻ 12 tuổi lúc ấy phải băng núi này, rừng nọ một mình nên nguy hiểm luôn rình rập và sinh mạng của đứa trẻ đó luôn trong tình trạng “nguy hiểm rình rập” thú dữ có thể ăn thịt lúc nào không hay, bọn địch cũng có thể nổ súng khi nghe tiếng động lạ. Nguy hiểm là vậy nhưng mẹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong hồi ức, mẹ nhớ lại “Một lần chúng bắt gặp tôi tay cầm túi xách đang đi vào rừng sâu, từ xa chúng chạy lại, lúc ấy tôi rất lo lắng nhưng rồi chợt nhớ ra… nên đã cầm một quả chuối đưa lên miệng để ăn. Khi chúng lại gần nơi cũng là lúc tôi ăn hết quả chuối. Chúng giật túi xách kiểm tra từng quả chuối một nhưng không thấy gì nên thả đi”. Mẹ cho biết, trong quả chuối ấy có giấu một mảnh giấy rất quan trọng, địch mà phát hiện được thì căn cứ sẽ gặp nạn nên mình nuốt vào bụng.

Năm 1964, cha mẹ của bà mất để lại những đứa em. Mẹ phải một tay nuôi các em của mình nhưng với mẹ thời gian ấy là cả một ký ức buồn: Nhà nghèo, bệnh sốt xuất huyết lại hoành hành… 2/3 người em mẹ nuôi đã không qua khỏi. Trong thâm tâm của mẹ nghĩ rằng, mình đã không làm tròn trách nhiệm của một người chị.

Dành trọn tình yêu cho đời!

Tuổi 18-tuổi của yêu thương và khát khao-Đinh Thị Gơi ngày ấy có rất nhiều chàng trai đến tán tỉnh, ngỏ lời. Đáp lại mối tình đơn lẻ của các chàng trai chỉ là một lời nói: “Tôi không lấy chồng, tôi sẽ dành thời gian để làm Cách mạng và nuôi các em mồ côi…”. Câu nói ấy đã làm cho bao đấng mày râu buồn bã trở về trong ấm ức.

Thời gian cứ thấm thoát qua đi, từ một đứa trẻ làm liên lạc trở thành cán bộ xã, cán bộ huyện. Công việc ngày càng nhiều nhưng mẹ vẫn bố trí thời gian hợp lý để chu toàn. Mẹ tranh thủ những lúc rảnh rỗi đi làm về để lên núi tìm củ mì về cho các con. Ông N.V.T.-đã cùng công tác với mẹ trong huyện An Khê cho biết: “Những lần tôi với bà ấy đi công tác, nhìn cách ăn lá rừng, củ mì… mà bà ấy mang theo, ai nấy đều ngạc nhiên và khâm phục cho tính cần cù, chịu khó của một người phụ nữ. Khi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, về việc nuôi những đứa con, chúng tôi lại càng cảm động, khâm phục con người này hơn”.

Tính đến năm 2012, mẹ đã nuôi 16 người con. Những đứa con thơ dại ngày nào nay đã khôn lớn và lập gia đình. Người phụ nữ không chồng nhưng lại có rất nhiều con, cháu. Ngôi nhà sàn nhỏ bé lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa.

Đinh Thị Hiệp-một người con mà mẹ đã nhận nuôi vào năm 1995 nay đã trưởng thành, được mẹ gả chồng tử tế. Mẹ Gơi kể: “Trong mấy đứa con tôi nuôi thì có lẽ Hiệp để lại tôi nhiều ấn tượng nhất. Hồi đó có hai đứa trẻ khoảng 2 đến 3 tuổi mặt mày nhem nhuốc quần áo rách rưới... tìm đến nhà tôi.

Khi tôi hỏi: Các cháu là ai? Hai đứa trẻ không nói gì, thấy tội nên tôi đã dắt vào nhà tắm rửa lấy cơm cho bọn trẻ ăn”. Ngồi bên cạnh nghe mẹ kể về hoàn cảnh của mình, Hiệp rưng rưng nước mắt. Trong phút giây nghẹn ngào, chị tâm sự: “Mẹ tốt với chúng tôi quá, nếu không có mẹ chắc chúng tôi không có ngày hôm nay. Mẹ tận tình chăm sóc từng đứa con, mẹ luôn bên tôi tâm sự cùng tôi những lúc vui buồn”.

Mặt trời lặn cũng là lúc chúng tôi chào mẹ Gơi ra về. Mẹ tiễn chúng tôi ra đến đầu làng rồi quay lại. Nhìn bước chân mẹ đi chậm rãi, có phải những tháng ngày qua mẹ đã quá vất vả. Bóng người phụ nữ dần khuất xa sau lũy tre già… những đứa con ngày một lớn khôn!

Trần Sỹ-Chu Loan

Có thể bạn quan tâm