Thị xã An Khê chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm ở vị trí cửa ngõ tiếp giáp với Bình Định-một trong những nơi cung cấp lượng lớn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm cho Gia Lai và cũng là một trong những địa phương đã công bố phát hiện có dịch cúm gia cầm, ngành chức năng thị xã An Khê đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng-chống dịch tại địa bàn cũng như tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gia cầm từ tỉnh bạn lên.

Ông Phạm Văn Chương-Trạm trưởng Trạm Thú y thị xã An Khê, cho biết: Trên địa bàn thị xã có khoảng 70 ngàn con gia cầm các loại, phân bố trên 11 đơn vị xã, phường. Hiện nay, tình hình diễn biến dịch bệnh trên đàn gia cầm chưa có dấu hiệu bất thường. Cách đây ít lâu có xuất hiện tình trạng gia cầm chết rải rác tại một vài hộ chăn nuôi (một số cơ quan báo chí đã phản ánh), tuy nhiên, sau khi cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu gà chết, mổ kiểm tra xác định nguyên nhân thì không phải do dịch cúm, mà do bệnh tụ huyết trùng bởi chịu tác động của tình hình thời tiết diễn biến phức tạp.

 

Trước tình hình dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại Bình Định, ngành chức năng thị xã An Khê đã chủ động tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn về công tác phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia cầm. Với các hộ kinh doanh buôn bán, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm, ngành chuyên môn đã cắt cử lực lượng thường xuyên theo dõi, nắm tình hình để chủ động phát hiện nhanh, xử lý sớm khi có dịch xảy ra.

Song song với đó, việc tiêu độc, sát trùng môi trường chăn nuôi đã được triển khai. Trạm có kế hoạch sắp tới sẽ phun 800/1.200 lít hóa chất tiêu độc sát trùng môi trường tại một số địa điểm quan trọng như: chợ, các địa bàn có mật độ chăn nuôi, giết mổ tập trung cao… Ngoài ra, nguồn cung cấp các sản phẩm thuốc phòng-chống dịch bệnh trên gia cầm hiện được các cửa hàng, đại lý bán khá phong phú, bảo đảm đủ nhu cầu chăn nuôi.

 

Theo ông Chương, cái khó trong công tác triển khai phòng-chống dịch trên địa bàn thị xã An Khê là quy mô chăn nuôi còn phân tán, nhỏ lẻ, mỗi trang trại chỉ chừng 100-200 con, trong khi nhận thức của một số hộ chăn nuôi còn hạn chế. Bên cạnh đó, tập tục chăn nuôi của người dân vẫn còn nhiều điểm lạc hậu, nhiều hộ chưa có thói quen chủ động kiểm tra dịch bệnh thường xuyên, thường thì khi phát bệnh mới tìm cách chữa trị hoặc báo cho cơ quan chức năng. Chưa kể đến tâm lý dấu bệnh, dấu dịch, ngại hợp tác với ngành chức năng vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế-điều này vô cùng nguy hiểm khi có dịch xảy ra.

An Khê được xác định là địa bàn trọng điểm trong công tác phòng-chống dịch bởi nằm trên cửa ngõ phía Đông của tỉnh. Tuyến quốc lộ 19 được coi là một trong 3 tuyến đường vận chuyển gia cầm chính từ các địa phương khác vào Gia Lai. Đây là đơn vị thực hiện nghiêm Công điện khẩn số 04/CĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các biện pháp phòng-chống dịch cúm A(H5N1), A(H7N9) và A(H10N8) trên đàn gia cầm và trên người, Trạm Kiểm dịch Động vật Song An đứng chân trên địa bàn thị xã đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông, đội Quản lý Thị trường số 2 huy động lực lượng, tổ chức chốt chặn và kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm qua địa bàn liên tục 24/24 giờ, đảm bảo không cho gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm nhập từ tỉnh ngoài vào địa phương.

Qua công tác kiểm soát, Trạm đã phát hiện và trả về nơi xuất phát 12 trường hợp với 1.420 con gia cầm, chủ yếu là gà, vịt; xử lý tiêu hủy 1 trường hợp với 600 con vịt con và 9 trường hợp vận chuyển trứng gia cầm (11.000 quả)…

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm