Đàn ông ra chợ mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đàn ông bán buôn tháo vát giữa chốn kẻ chợ ngày nay không còn là hình ảnh hiếm gặp. Từ những khu chợ tự phát như chợ Bà Định đến các chợ lâu năm như Trung tâm Thương mại Pleiku, chợ đêm… hình ảnh những “ông hàng cá”, “ông hàng rau” đã không còn xa lạ với các bà nội trợ.

Quan niệm chốn kẻ chợ bán buôn chỉ dành cho phụ nữ đã được ông bà đúc kết: “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Đây cũng là kinh nghiệm chọn vợ gả chồng dựa vào sự đảm đang, tháo vát của người phụ nữ chốn chợ đông. Nhưng vì mưu sinh, ngày càng nhiều người đàn ông ra chợ bán buôn đủ mặt hàng, gạt bỏ tâm lý “đàn ông giữa chợ” để chia sẻ gánh nặng với người bạn đời.

Duyên bán buôn

 

 Ông Đặng Đình Quân bán chuối đã gần 20 năm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ông Đặng Đình Quân bán chuối đã gần 20 năm. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ngồi lọt thỏm giữa hai dãy hàng rau chỉ toàn phụ nữ ở chợ Bà Định (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) là một người đàn ông bán chuối. Ông cầm con dao sắc nhỏ chỉ bằng duy nhất một ngón tay cái, cắt những quả chuối một cách khó khăn. Nhưng bàn tay tật nguyền không ảnh hưởng gì đến việc bán buôn, ông tỏ ra rất có duyên bán hàng khi khách vào ra hàng chuối của ông liên tục. Vẻ lam lũ, vất vả hằn rõ trong dáng vẻ của người đàn ông gần 60 tuổi. Ông kể: “Tôi tên Đặng Đình Quân, nhà ở tận thôn 8, xã Ia Tôr, huyện Ia Grai. 35 năm nay cả gia đình sống bằng nghề trồng chuối. Ngoài những buồng chuối đẹp được tiểu thương đến thu mua, còn những nải chuối thẹo thọ, tôi và vợ mang đến các chợ bán kiếm thêm vài đồng. Vợ chồng tôi cũng đã có 20 năm theo nghề chuối, quen mặt ở khắp các chợ”.

Những nải chuối của hàng ông Quân không đẹp như những hàng chuối khác, quả xanh, quả chín không đều. Nhìn cách bày biện đủ thấy sự vụng về của đàn ông nhưng nhiều bà nội chợ đã quen với hàng chuối của ông nên không câu nệ. Ông luôn bán rẻ cho khách, khi thêm vài trái chuối chín, khi bớt vài đồng lẻ nên khách có vẻ khá hài lòng. “Chuối nhà tôi nhìn không đều, không đẹp vì để chín tự nhiên, không ủ bằng thuốc. Xấu xấu nhưng chuối vườn ở Gia Lai là ngon nhất hạng đấy, ăn rất tốt cho sức khỏe”-ông Quân vui vẻ giới thiệu.

Cách chỗ ông Quân không xa, anh Ksor Jen-người chuyên bán rau củ cũng khá quen mặt với những ai hay đi chợ Bà Định. Giọng chào mời của người đàn ông Jrai luôn gây được sự chú ý giữa một rừng người bán kẻ mua đa số là phụ nữ: “Mua rau đi, rau nhà trồng không có thuốc đâu”. Vừa nói anh vừa giơ những bó rau cải tươi xanh lên để khách dễ dàng nhìn thấy. “Có đúng đây là rau nhà trồng không anh?”-tôi hỏi. Anh thật thà: “Rau mình mua của mấy người trong làng đem bán kiếm chút lời, rau nhà mình bán hết rồi. Nhưng mình đảm bảo không có thuốc đâu”. Anh cho biết, trước kia anh chỉ bán rau nhà trồng, nhưng rồi có duyên với việc bán buôn, rau của anh luôn hết trước mọi người nên anh nghĩ đến việc buôn rau, mua của người làng ra các chợ bán lại. Buổi sáng anh bán chợ Bà Định, chiều anh chở rau đi các chợ xa hơn như Trung tâm Thương mại Pleiku, chợ đêm. Chị Phúc-người gắn bó ở chợ Bà Định hơn 10 năm với hàng hành tỏi kể: “Hồi đầu thấy Jen rụt rè lắm, chở gùi rau ra chợ là ngồi im như thóc, không chào mời ai. Vậy mà giờ nhanh nhẹn, tháo vát không kém phụ nữ. Có hôm bán ế còn mang rau đi khắp chợ, nhanh miệng mời chào, sẵn sàng bớt chứ không khư khư giữ một giá như những người bản địa khác”.

Chia sẻ gánh nặng áo cơm

 

Điều gì đã khiến những người đàn ông chịu khó ra chợ mưu sinh, gạt bỏ mặc cảm “đàn ông giữa chợ”? Ông Đặng Đình Quân, chia sẻ: “Trước kia chỉ có vợ tôi ra chợ gần nhà bán những nải chuối thẹo thọ tiểu thương không mua. Nhưng thấy vợ vất vả quá, trong khi con cái ngày một lớn, học hành tốn kém, vậy là tôi đánh liều chở chuối đi các chợ xa bán đỡ đần bớt. Hồi đầu mới đi bán tôi ngại lắm, cứ sợ người quen nhìn thấy. Sau tôi nghĩ, mình có làm việc xấu đâu mà ngại, vậy là thấy thoải mái hơn”. Ông Quân nói, đến giờ ông rất vui vì chia sẻ bớt sự khó khăn vất vả với vợ, tự hào vì từ xe chuối mà hai vợ chồng ông đã nuôi được 5 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, trong đó cô con gái út hiện đang học cao học ngành quản trị kinh doanh ở Đà Nẵng.

Cùng chia sẻ gánh nặng áo cơm với vợ, ông Lê Thành Sỹ (hẻm 360, Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) đã gạt sĩ diện của một người lính chiến để ra chợ mưu sinh. Ở ông vẫn có sự điềm đạm, từ tốn của một cựu quân nhân-tính cách tưởng khó dung hòa ở chốn chợ búa xô bồ. Ông Sỹ kể, ông vốn là bộ đội chiến đấu ở Campuchia (từ 1980 đến 1985), sau khi giải ngũ ông về làm cho một xưởng gỗ tư nhân. Cách đây 2 năm, tai nạn lao động đã cướp đi của ông bàn tay trái khiến ông không còn khả năng lao động, mọi gánh nặng đều đổ lên vai vợ. “Thời điểm tôi bị tai nạn, con gái đang học đại học, đứa thứ hai thì bị bệnh down không có khả năng lao động, cảnh nhà vất vả lắm. Nghĩ mình là đàn ông, đã không làm trụ cột trong gia đình mà còn ở nhà vợ nuôi, thấy tự ái lắm. Suy tính đắn đo mãi, tôi quyết định theo vợ ra chợ bán buôn kiếm sống”-ông nói.

Hàng ngày, công việc của ông là đi đầu chợ đến cuối chợ mua thức ngon vật lạ của người dân tộc thiểu số về cho vợ bán lại kiếm lời, từ bó rau, mớ đậu rồng đến gà, con ếch… Ông kể: “Lời lãi chẳng bao nhiêu, bó rau mua 4.000 đồng bán lại 5.000 đồng thôi, thỉnh thoảng mua được vài con lươn, con ếch đồng thì kiếm đủ tiền mua gạo, dẫu vậy tôi thấy mình sống có ích hơn”. Vợ ông, bà Huỳnh Thị Kim Phượng cho hay: “Thời gian đầu ra chợ ổng ngại lắm, bộ đội xuất ngũ mà. Nhưng càng ngày thấy ổng vui vẻ hoạt bát hơn. Có ổng đỡ đần, tôi cũng đỡ cực nhọc đi nhiều”.

Dẹp bỏ “tự ái đàn ông”, nhiều người đàn ông sẵn sàng ra chợ bán buôn, chia sẻ gánh nặng với gia đình. Họ khiến người ta tin rằng, khi cuộc sống ngày càng khó khăn, việc kiếm tiền một cách chân chính đều đáng trân trọng.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm