Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Chất lượng chưa như mong đợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 năm (2010-2014) thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh thì đề án đã bổ sung cho lực lượng lao động qua đào tạo trên 26.000 người. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, số lượng đào tạo nghề thì nhiều nhưng chất lượng đào tạo chưa đạt như mong muốn.

Trên 26.000 lao động nông thôn được học nghề

Bây giờ, đi đến thôn-làng nào trên địa bàn tỉnh, người dân cũng hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của việc học nghề cho lao động nông thôn. Đối với người dân, được học nghề từ những nghề mà họ đã biết cứ tưởng không cần thiết nhưng học để làm tốt hơn, giúp mang lại hiệu quả cao hơn thì người nào cũng thích học.

 

   Nông dân Krông Pa học nghề nuôi dê. Ảnh: Đinh Yến
Nông dân Krông Pa học nghề nuôi dê. Ảnh: Đinh Yến

Có mặt tại lớp học nghề chăn nuôi và phòng bệnh cho bò ở buôn Xom Heng, xã Ia Peng (huyện Phú Thiện), chúng tôi mới hiểu hết được ý nghĩa của việc dạy nghề cho lao động nông thôn. Thời gian học nghề chỉ diễn ra trong gần 3 tháng, nhưng rất nhiều nông dân, nhất là hộ dân tộc thiểu số đã hiểu được quy trình nuôi và chăm sóc bò như thế nào. Chị Siu Lơih, buôn Xom Heng A cho hay: Mình đã học được nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi và chăm sóc cho bò. Nhà mình có 3 con bò, thầy giáo hướng dẫn khi thấy bò sình hơi, ốm thì nên mua thuốc chữa trị cho bò, cách tiêm là vào vai và mông. Mình còn biết cách tạo ra thức ăn tinh, như: cám, bột bắp, bột mì cho bò ăn vào buổi sáng; rơm, cỏ để bò ăn vào buổi trưa và tối.

Trao đổi với P.V tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh mới đây, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó ban Chỉ đạo thường trực Đề án 1956 của tỉnh, cho biết: Trên 26.000 lao động nông thôn được học nghề thì có khoảng 72% số lao động được học nghề tự tạo thêm việc làm trên chính thửa ruộng, vật nuôi của gia đình, giúp họ tăng thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống.

Tuy nhiên, số lượng đào tạo nghề lao động nông thôn trong 5 năm qua đạt được nhiều nhưng chất lượng đào tạo ở một số huyện chưa đạt yêu cầu. Một số địa phương vẫn còn chạy theo chỉ tiêu đào tạo mà chưa quan tâm đến chất lượng đầu ra cho người học. Bên cạnh đó, việc chọn ngành nghề đào tạo cho người dân vẫn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế nên nhiều lao động sau đào tạo không tìm được việc làm. Một số trung tâm dạy nghề huyện dù được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy nghề từ ngân sách trung ương và địa phương nhưng vẫn còn thiếu và không đồng bộ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo nghề cho nông dân.   

Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tổ chức hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ xã, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế. Do đó, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo cho 52.957 người, với 37 nghề đào tạo, gồm hai nhóm nghề là nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tổng kinh phí đào tạo khoảng 44,5 tỷ đồng.

Để đạt kế hoạch đề ra, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh đề nghị: Các địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là trong quá trình học, đối với người địa phương cần phải học đi đôi với hành, dễ áp dụng vào thực tế. Hơn nữa, học những nghề thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người dân để sau khi học xong, bà con có thể áp dụng vào công việc đang làm, góp phần đẩy mạnh việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Hơn nữa, khuyến khích các doanh nghiệp gắn với cơ sở đào tạo nghề để đào tạo theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Hơn nữa, để việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao, thu hút người lao động tham gia học nghề, tỉnh đã đề nghị với Trung ương tăng mức hỗ trợ cho người học nghề, cụ thể đề nghị tăng hỗ trợ tiền ăn từ 15.000 đồng lên 30.000 đồng/ngày thực học; hỗ trợ chi phí đi lại nếu cơ sở đào tạo nghề cách nơi cư trú của học viên từ 15 km trở lên từ 200 ngàn đồng lên 300 ngàn đồng/khóa học. Cùng với đó, giá cả thị trường biến động nên việc xây dựng mới các trung tâm dạy nghề với mức hỗ trợ đầu tư 9 tỷ đồng/trung tâm dạy nghề, gồm cả xây dựng và trang-thiết bị dạy nghề là quá thấp nên đề nghị tăng lên 15 tỷ đồng/trung tâm mới đáp ứng được công tác đào tạo nghề.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm