Địa chỉ tin cậy bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đề án thành lập Văn phòng Tư vấn Trẻ em được UBND tỉnh triển khai thí điểm tại huyện Chư Sê năm 2014, đến nay, Văn phòng Tư vấn Trẻ em bước đầu đã phát huy được hiệu quả về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều phụ huynh, trẻ em trên địa bàn huyện.

Văn phòng Tư vấn Trẻ em huyện Chư Sê gồm 6 thành viên và 183 cộng tác viên là trưởng các thôn, làng, tổ dân phố tham gia để nắm bắt thông tin và tư vấn, hỗ trợ kịp thời về các vấn đề có liên quan đến trẻ em và gia đình. Qua đó, tổ chức tư vấn tại văn phòng, cộng đồng và trường học cho trẻ em, phụ huynh, người giám hộ cho trẻ trong các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, tổn thương. Đồng thời, kết nối với các đơn vị tổ chức, ban ngành, dịch vụ an sinh xã hội để hỗ trợ nhằm bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngay từ khâu phòng ngừa, phát hiện trẻ em có nguy cơ rơi hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời huy động trợ giúp, hỗ trợ tâm lý, tái hòa nhập cho trẻ.

 

Văn phòng Tư vấn Trẻ em huyện họp giải quyết các trường hợp liên quan đến trẻ em. Ảnh: N.T
Văn phòng Tư vấn Trẻ em huyện họp giải quyết các trường hợp liên quan đến trẻ em. Ảnh: N.T

Huyện Chư Sê hiện có gần 32.000 trẻ em, trong đó, có 60% trẻ em là dân tộc thiểu số và số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt gần 6.000 em. Để trẻ em không phải chịu thiệt thòi, các chương trình đầu tư bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã được Văn phòng Tư vấn Trẻ em huyện phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai đồng bộ như: phát triển chương trình tiêm chủng; phòng-chống suy dinh dưỡng; cấp thẻ miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; tặng quà, hỗ trợ, giúp đỡ cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ…

Ngoài ra, công tác tư vấn đối với các bậc phụ huynh cũng được Văn phòng Tư vấn Trẻ em huyện quan tâm hỗ trợ. Nhiều bậc phụ huynh, người lớn có những thắc mắc liên quan đến chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã tìm đến Văn phòng tư vấn để được hỗ trợ, giải đáp. Điển hình như bà Lê Thị Định-tổ 8, thị trấn Chư Sê, có con nhỏ bị bạo lực đã được Văn phòng Tư vấn Trẻ em huyện kịp thời hỗ trợ, tư vấn để giải quyết vụ việc. Bà Định chia sẻ: “Con tôi bị người hàng xóm đánh đập, gia đình bị hăm dọa, tôi rất lo lắng, bức xúc nên đến ngay Văn phòng Tư vấn Trẻ em huyện Chư Sê để được hỗ trợ. Các thành viên trong Văn phòng tư vấn rất nhiệt tình giúp đỡ, động viên, tư vấn cho tôi để tôi bình tĩnh giải quyết vụ việc thấu đáo”.

 

Cộng tác viên đang thuyết trình tại lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ảnh: N.T
Cộng tác viên đang thuyết trình tại lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ảnh: N.T

Để bảo vệ và chăm sóc trẻ em được kịp thời, sâu sát, Văn phòng Tư vấn Trẻ em huyện đã phát triển hệ thống cộng tác viên rộng khắp các thôn, làng, tổ dân phố. Ông Nguyễn Trọng Hòa-Trưởng thôn Tân Lập, thị trấn Chư Sê cho biết: “Chúng tôi thường xuyên kết hợp với đoàn thể, cán bộ dân số triển khai các chương trình tuyên truyền về chính sách xã hội liên quan đến lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Khi tuyên truyền, hướng dẫn, chúng tôi luôn ân cần, tìm hiểu gia cảnh để tư vấn phù hợp, hướng dẫn kỹ càng. Vì vậy, các chương trình này được bà con tham gia rất nhiệt tình, vui vẻ, tin tưởng và thường xuyên”.

Chỉ sau một năm hoạt động, Văn phòng Tư vấn Trẻ em huyện đã tư vấn tại chỗ cho gần 150 trường hợp trẻ em và người nuôi dạy trẻ về các vấn đề liên quan đến phát triển tâm lý trẻ em, sức khỏe sinh sản, Luật Bảo vệ và Giáo dục trẻ em. Ngoài ra, Văn phòng tư vấn trẻ em huyện đã hỗ trợ tinh thần, vật chất cho 15 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để giúp các em hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Văn phòng Tư vấn Trẻ em huyện đã tổ chức nói chuyện chuyên đề về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại 7 điểm xã, trường học; tổ chức 2 lớp tập huấn, hội thi cho các cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Bà Lê Thị Ngọc-Trưởng phòng Văn phòng Tư vấn Trẻ em, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Qua một năm triển khai đề án, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bạo lực học đường trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm, cộng đồng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Nhiều phụ huynh đã biết được cách chăm sóc và cùng đồng hành, giúp con vượt qua những vướng mắc trong thời kỳ phát triển, tâm sinh lý thay đổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền và rà soát các đối tượng cần hỗ trợ, tư vấn. Đặc biêt, hệ thống cộng tác viên dưới cơ sở sẽ được trang bị kiến thức đầy đủ hơn để kịp thời tư vấn, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng thời điểm.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm